Bali có gì mà hai đứa cuồng đến vậy? Bali có gì mà hai đứa lúc nào cũng nói nhớ? Bali có gì mà hay đứa cứ khen hoài?
Thiệt ra đến Bali chả có cái gì “chơi“ cả. Những người thiệt lòng yêu Bali không phải đến đây để trả lời câu hỏi đó mà là để “ Ăn, Cầu Nguyện và Yêu”. Với tụi mình, tình yêu Bali đến từ tình yêu của họ dành cho văn hóa của họ. Tụi mình cảm phục điều đó và yêu Bali. Tụi mình được chứng kiến Nghi lễ thanh tẩy Melasti, rồi Lễ diễu hành quái vật Ogoh-ogoh, trải nghiệm 24 giờ giam lõng trong khách sạn vào Ngày Im Lặng – Nyepi và ngay sau đó là tham gia ngày hội té nước Omed-Omedan ở Bali, ngày hội được rỉ tai nhau khắp nơi bằng cái tên “Ngày Hội Hôn Nhau” của giới trẻ Bali.
“Omed – Omedan” là gì?
Trong tiếng Bali, Omed-Omedan có nghĩa là “đẩy – kéo”. Đậy là một ngày hội xuất phát từ cả ngàn năm trước từ một trận chiến không ngừng giữa lợn đực và lợn cái ở Sesetan, Depansar, đảo Bali. Trong những năm 80, khi người dân không còn tổ chức ngày hội này nữa thì những trận bệnh đã đổ xuống. Do đó, Omed-Omedan được thực hiện và lưu truyền cho đến ngày nay, và được tổ chức hằng năm tại cộng đồng Kaja, Sesetan, Depansar.
Hình: Omed-Omedan, lễ hội té nước ở Bali, Indonesia
STAYNOW.VN là nền tảng tìm kiếm và so sánh giá phòng với hơn 20,000+ địa điểm lưu trú , trên nền tảng Agoda.com, Booking.com, Trip.com... đang phổ biến nhất hiện nay
Giúp bạn tiết kiệm thêm chi phí cho chuyến du lịch của mình khi tìm nơi lưu trú, hiện đang nhiều ưu đãi giảm giá phòng lên đến 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
Tụi mình đến Bali đúng dịp Nyepi và có đọc được thông tin về ngày hội này nên đã sắp xếp đến tham dự từ rất sớm dù thời gian chính thức là 2 giờ trưa. Đi loanh quanh tìm một vài người có thể nói tiếng Anh để tìm hiểu thêm về lễ hội thì tụi mình biết được rằng Omed-Omedan không còn là Ngày Hôn Nhau như mọi người vẫn lan truyền nữa. Omed-Omedan ngày nay tuy được giữ gìn nhưng vẫn có những thay đổi khác so với thuở ban đầu để phù hợp với chuẩn mực của thế giới.
Omed- Omedan là một ngày hội dành cho cả làng Kaja, nhưng chỉ cho phép nam nữ còn độc thân từ 17-30 tuổi tham gia chính vào nghi thức “Đẩy – Kéo” (tụi mình sẽ giải thích phía sau) – điều này thì vẫn là tục lệ cũ, nhưng cái thay đổi ở đây là chỉ được phép ôm, nụ hôn sẽ chỉ được thực hiện khi hai người biết nhau hoặc “tự bật đèn xanh” với nhau. Ai mà không thích được ôm đúng không?
Hình: Omed-Omedan, lễ hội té nước ở Bali, Indonesia
Lễ hội Omed-Omedan được thực hiện cùng với ý niệm cho việc đẩy đi những nguồn năng lượng xấu và mong ước về “sinh sôi nảy nở” cho cả giống nòi và mùa màng.
Omed-Omedan diễn ra như thế nào?
Tất cả “thiện nam tín nữ” đăng ký và được lựa chọn tham gia vào nghi thức “đẩy và kéo” như tụi mình đề cập trước sẽ thực hiện một lễ cúng tại đền làng mà người dân và du khách không được tham gia. Mục đích thật ra chỉ là cầu nguyện cho an toàn của cả ngày hội mà thôi. Người dân và du khách sẽ được thưởng thức những màn trình diễn của những ban nhạc địa phương, tiếp theo là múa lân truyền thống ngay khu vực diễn ra nghi thức.
Sau khi đầy đủ thủ tục cúng kiếng, những người tham gia sẽ được chia ra làm hai – một bên nam, một bên nữ đối diện nhau chờ đợi hiệu lệnh của người thủ lĩnh. Đám đông reo hò “Omed – Omedan” cực kỳ khí thế để cổ vũ cho cả hai nhóm. Khi hiệu lệnh được bắt đầu, hai phía sẽ từ từ tiến về nhau như trò “ cướp cờ” của Việt Nam mình. Đến giữa sân, người nam sẽ kéo mạnh người nữ về phía mình và ôm lấy; đội nữ sẽ cố gắng giữ người.
Dân làng sẽ thi nhau đổ nước vào họ. Có khi là một ca nước nhỏ, có khi là 1 bồn nước lớn. Và dĩ nhiên, tất cả mọi người kể cả du khách đều “bị” té nước ướt nhẹp! Đám đông vẫn không ngừng reo hò “Omed – Omedan” như một bản nhạc đồng dao mà già trẻ lớn bé đều nằm lòng. Nếu việc “ kéo người” thất bại. Cả hai đội sẽ rút quân về, thảo luận và đổi người. Cuộc chơi cứ thế mà tiếp tục cho đến khi thủ lĩnh thông báo hết giờ.
Tụi mình xin phép đổi nhẹ tên thành “ Hội té nước Bali” vì hai đứa ướt chèm nhẹp từ đầu đến chân không khác gì lễ Songkran hay mừng năm mới ở Lào và Myanamar. Còn một tên gọi khác có thể chấp nhận được là “ Hội ghép đôi” vì không ít những cặp đôi ôm nhau trong trận đấu hẹn hò và cưới nhau sau đó.
Những lưu ý cho việc tham gia ngày hội
Địa điểm và thời gian: Tụi mình đã đề cập bên trên. Lễ hội sẽ diễn ra ở Sesetan, đảo Bali vào lúc 2h trưa. Nhưng các bạn nên đến sớm hơn để có chỗ tốt đồng thời tham gia các hoạt động khác được tổ chức tại đây. Tụi mình đến đó tầm 11 giờ, bụng bắt đầu cồn cào nên đã đi lòng vòng tìm chỗ ăn.
Thật ra ngay trung tâm lễ hội người ta có mở một khu chợ trời bán ẩm thực. Nhưng nhìn quanh, hai đứa thấy chỉ toàn đồ ăn vặt, nên đành đi xa hơn để tìm Babi Guiling.
Xe máy đã gởi rồi nên đành đi bộ. Google map chỉ một nhà hàng Babi Guiling tầm 1 cây số, vậy mà đến nơi thì cửa hàng và sau đó may mắn tìm được một nơi bán hủ tiếu và mì ngay gần đó. Các bạn lưu ý chuẩn bị đồ ăn nhẹ và nước uống nha.
Omed-Omedan là một mô hình té nước nhỏ nếu so với Songkran, nhưng đủ để ướt từ đầu đến chân. Nên mọi người lưu ý bảo vệ các thiết bị như điện thoại, camera. Tụi mình chả chuẩn bị gì cả ngoài mấy túi chống nước điện thoại nhưng những tay săn ảnh chuyên nghiệp bản địa họ bọc camera kỹ dữ lắm. Có người chia sẻ với tụi mình rằng: “Tụi mày gan quá, năm ngoái tao mới hư một cái!”
Hình: Omed-Omedan, lễ hội té nước ở Bali, Indonesia
Mời mọi người xem lại video Soulful Indonesia của tụi mình trong đó giây 1:32 sẽ có một vài đoạn té nước và múa lân nhé!
Chia sẻ: Blogdulich.net