weather
Thời Tiết Sài Gòn
Nhiệt Độ: 30°C
Hiện tại: mây rải rác

KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI AI CẬP 1: XEM GÌ Ở CAIRO

Cairo là một trong những thành phố gây cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Thủ đô đón tôi bằng cái nóng sói trán, tạt vào mặt tôi mấy gáo nước lạnh về một thủ đô không như những gì tôi hình dung, và cho tôi một cái nhìn mới hơn về thành phố này.

Bạn có thể theo dõi thêm về cuộc hành trình 19 ngày của tôi tại Ai Cập ở đây. Cairo sẽ chiếm một phần lớn trong hồi kí ấy.

Cairo thường sẽ là nơi bạn dừng chân đầu tiên ở Ai Cập. Nếu bạn chưa biết mình sẽ đi đâu ở thủ đô, đây là vài nơi tôi nghĩ sẽ khá hay ho nếu bạn có thể khám phá.

cairo có gì

Trong 7 địa danh dưới đây, 5 nơi sẽ nằm trong Cairo, và hai nơi còn lại sẽ nằm ở gần Cairo.

1. Kim Tự Tháp và Nhân Sư:

Chỉ cần làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ về bạn biết gì về Ai Cập, tôi tin chắc rằng trên 90% người được hỏi có câu trả lời bao gồm một trong hai hoặc cả hai địa danh trên.

Sau đấy, tôi làm thử một cuộc phỏng vấn nhỏ về Nhân Sư. Tôi hỏi mọi người rằng có bao nhiêu con nhân sư ở Ai Cập. Đa phần mọi người đều trả lời rằng chỉ có đúng một con. Trước khi tôi đi Ai Cập, tôi cũng nghĩ tương tự thế.

Thật ra nhân sư không chỉ có một con và độc chiếm hoàn toàn Ai Cập. Ở đền thờ Luxor, bạn sẽ thấy được một hàng dài nhân sư; và trên thế giới,nhân sư cũng xuất hiện rất nhiều ở đủ mọi loài hình dạng khác nhau. Con nhân sư to nhất mọi người thấy ở Giza là con to nhất và nguyên vẹn nhất ở Ai Cập.

Ngày tôi tới được mặt đối mặt với Kim Tự Tháp, tay chạm tay với từng tảng đá Kim Tự Tháp, người tôi (đáng lẽ ra) phải run lên vì sướng. Những giấc mơ về một ngày xa rất xa nào đó sẽ được mục sở thị một trong những kì quan vĩ đại nhất của con người đã thành hiện thực. Nhưng tại sao lại là “đáng lẽ ra”? Vì Kim Tự Tháp bây giờ buồn lắm.

Thế nhưng bạn vẫn phải đi. Đó là Kim Tự Tháp. Đó là kì quan cổ đại duy nhất vẫn còn đứng vững thách thức thời gian cả ngàn năm trước cho tới tận bây giờ.

Niềm kiêu hãnh của Ai Cập nằm không quá xa trung tâm thủ đô. Để thuận tiện, bạn có thể đặt taxi tới tham quan chùm Kim Tự Tháp và ba địa điểm gần kề đó gồm Saqarra: Nơi có Kim Tự Tháp cổ đại nhất trên thế giới; Memphis: Thủ đô cũ của Thượng Ai Cập; và Dashdur: Nhà của Kim Tự Tháp Đỏ.

2. Saqarra và Kim Tự Tháp Bậc Thang:

Nhiều lúc tôi rảnh tôi hay làm phỏng vấn sảng lắm. Này tôi lại phỏng vấn tiếp, chả rõ là cuộc phỏng vấn thứ bao nhiêu. Mà làm phỏng vấn nhiều cái vui lắm, để mốt tôi kể mọi người sau.

Trời, nói lan man quá, vào chủ đề chính thôi.

Tôi lại hỏi mọi người, kim tự tháp cổ nhất là kim tự tháp gì. Mọi người chắc chắn sẽ biết được câu đáp án của câu trả lời đó rồi đúng không? Phần lớn câu trả lời sẽ là một trong ba đệ nhất kim tự tháp ở Giza, giống y hệt lúc đầu tôi nghĩ.

Nhưng mà kim tự tháp cổ nhất lại nằm ở Saqarra cơ.

Kim Tự Tháp này gọi là Kim Tự Tháp bậc thang (The Step Pyramid). Kim Tự Tháp này được xây bởi một người khá “quen”, nếu bạn nào có đọc Nữ Hoàng Ai Cập: Imhotep. Kim Tự Tháp được xây ra để làm mồ chôn cho vị pharaoh của triều đại thứ III thời Vương Quốc Cũ (The Old Kingdom): Djoser

Sau khi khám phá Kim Tự Tháp Bậc Thang, bạn còn có thể đi vào một vài “phòng” (hầm mộ) của người Ai Cập cổ đại, hay tham quan Bảo tàng Imhotep.

3. Memphis:

Ai đọc Nữ Hoàng Ai Cập lại thấy này quen lắm nè. Trước khi được dịch ra là Menfuisu, vị hoàng đế trẻ tuổi ấy tên là…Memphis

Memphis xưa kia là thủ đô của vùng Thượng Ai Cập. Theo như những gì tôi đọc được trên mạng, xưa kia Memphis có một lịch sử khá huy hoàng. Ở thời hiện đại, Memphis chỉ còn xơ xác và lác đác vài ba di chỉ khảo cổ còn xót lại. Nếu bạn đã mòn gối ở Bảo Tàng Cairo trước đó, Memphis cũng không mấy thú vị để bạn tham quan.

Nhưng một khi đã tới Giza, tới Saqqara rồi, thì sẵn tiện tạt qua luôn Memphis. Mặc dù bên ngoài Memphis có vẻ hơi buồn một tẹo, pho tượng Pharaoh khổng lồ đang được cất giữ bên trong hy vọng sẽ phần nào cứu vớt được vẻ hiu quạnh của vùng đất từng một thời là thủ đô.

4. Islamic Cairo và Trường Đại Học al-Azhar:

Trường đại học al-Azhar nằm ở khu vực “Islamic Cairo”, hay còn gọi là vùng “Hồi Giáo” của Cairo.

Thật ra Cairo ở đâu cũng đã được bao phủ bởi Hồi Giáo rồi. Vùng này không “Hồi Giáo hơn” những vùng khác là bao nhiêu. Tuy nhiên một số duy chỉ ở khu vực này về Hồi giáo đặc trưng hơn, nên mới mang tên gọi là vùng Hồi Giáo của Cairo.

Trường Đại Học al-Azhar ngoài nhiệm vụ là một trường đại học ra, còn là một đền thờ Hồi Giáo. Thế nên một trong những mục đích lớn nhất của trường là truyền bá Hồi Giáo ra ngoài xã hội một cách thiết thực nhất.

Đặt chân tới al-Azhar đồng nghĩa với việc bạn đã đặt chân tới một trong những trường đại học lâu đời nhất thế giới vẫn tiếp tục công việc giảng dạy cho đến tận bây giờ.

Nếu có thời gian, bạn nên tham quan các địa danh khác ở khu vực Islamic Cairo như Mohammed Ali Mosque hay City of the Dead.

5. Coptic Cairo và Nhà Thờ Treo:

Nếu Islamic Cairo là nơi thiên về Hồi Giáo thì Coptic Cairo lại là khu vực đậm đặc Thiên Chúa Giáo.

Ở khu vực Coptic Cairo có khoảng 3 nhà thờ còn hoạt động, nhưng tôi ấn tượng với nhà thờ Treo (The Hanging Church) hơn cả. Ấn tượng đầu tiên vì nhà thờ Treo là nhà thờ đầu tiên tôi vào ở Ai Cập. Ấn tượng nữa vì bên trong nhà thờ Treo, kiến trúc đặc biệt hơn so với những nhà thờ khác tôi đã từng đi qua. Và ấn tượng nhất là vì “tạo hình” của các vị cha xứ nơi đây.

Thật ra khi tới Ai Cập, tôi đã dặn lòng rằng mình sẽ phải mở mang đầu óc ra một cách hết mức. Không phải ai đầu đội khăn đen và râu xồm xoàm là người ôm bom tự sát. Đây là năm 2015 rồi, không nên để những chuyện như vậy ảnh hưởng.

Thế nhưng khi nhìn thấy những bức hình của các vị cha xứ ở đây, tôi có khựng lại vài giây. Đầu óc tôi lại quay về vạch xuất phát rằng những ai đầu đội khăn đen và râu xồm xoàm là những người có liên quan gì đấy tới các vụ ôm bom tự sát. Chẹp.

Ở Coptic, bạn có thể đi xem những ngôi nhà thờ sát bên, hoặc đi vào nghĩa địa Coptic Cairo gần đó.

6. Nghĩa Trang Cairo:

Gì chứ tôi thích vào nghĩa trang chơi lắm. Tôi nhớ lần tôi đi vào nghĩa trang Zagreb ở Croatia mà thích khủng khiếp. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh một cụ bà vừa đi dọn mộ cho người thân mình, rồi lững thững đi ra ngoài nghĩa trang giữa hai hàng cây đẹp khủng khiếp. Chắc người tôi tội lỗi hơi nhiều nên mỗi khi vào nghĩa trang, tôi đều thấy thanh thản lạ kì.

Quay lại về nghĩa trang Cairo. Nghĩa trang Cairo có một sức hút rất lớn với tôi. Tôi nhớ rõ hôm ấy trời rất nắng, đâu tầm giữa trưa tháng Năm đổ lửa. Tôi đi vào nghĩa trang và lại thấy cực kì thoải mái. Cứ đứng đấy, rồi giơ máy lên chụp vài pô, rồi lại vòng qua vòng lại giữa những lăng mộ và những nấm mồ. Có vậy thôi mà thấy yên bình gần như tuyệt đối.

7. Xác Ướp Hoàng Gia và Bảo Tàng Quốc Gia Ai Cập:

Nửa tiếng đầu ở bảo tàng, tôi dừng chân lại từng bức điêu khắc, tấm chân dung của mỗi thời kì.

Đến phút thứ ba mươi mốt, tôi bắt đầu lướt qua dần.

Số lượng hiện vât và thông tin ở vùng bảo tàng này là cực cực kì nhiều. Bạn tưởng tượng cả một “hệ thống” Pharaoh bắt đầu từ năm 3100 Trước Công Nguyên đến năm 30 Sau Công Nguyên, tức gần hơn 3000 năm trị vị trước khi bị thất thủ trước đế chế La Mã, đều được bưng nguyên si vào viện bảo tàng nó lớn như thế nào.

Nếu bạn từng đọc Nữ Hoàng Ai Cập, vào đây bạn sẽ thấy từng miếng phù điêu, từng tên nô lệ, từng hình ảnh, biểu tượng, đều gợi lại những mẩu chuyện đậm chất chính trị ẩn dưới lớp vẽ sến súa bơ sữa kia.

Ở trong Bảo Tàng có ba nơi làm tôi ấn tượng hơn cả.

1. Xác Ướp Động Vật:

Nguồn: http://religionexoticegypt.weebly.com/uploads/3/1/4/1/31412263/6895597_orig.jpg

Người Ai Cập cổ không những ướp xác người mà ướp luôn cả động vật. Trong đấy bạn sẽ thấy họ từng ướp một cá sấu mẹ bên trong còn đang ngậm một…cá sấu con. Chó, mèo, khỉ, đại bàng… cũng được người Ai Cập cổ tóm về và ướp xác.

2. Mặt Nạ Vàng Của Vua Tutankhamun:

Nguồn: http://img2.wikia.nocookie.net/__cb20140203014116/egyptology/images/0/0f/Cairo_museum_-_tuts_mask_6_-_best_shot.jpg

Vị vua từng là cảm hứng để tạo nên hoàng đế Memphis (Menfuisu) đình đám một thời khi ông lên ngôi vua lúc 10 tuổi và chết năm 19 tuổi. Phòng trưng bày của vị hoàng đế này khang trang hơn những người còn lại, và tất nhiên không thể thiếu chiếc mặt nạ vàng từng gây sóng gió một thời vì “Lời Nguyền Pharaoh” đình đám.

3. Xác Ướp Hoàng Gia:

Nguồn: http://photos.travellerspoint.com/227302/large_Ramses_II_Mummy.jpg

Nhiều người nghi ngờ việc thăm…xác chết có đáng không? Tôi thấy rất đáng.

Bạn sẽ phải kinh ngạc trước một nền khoa học cực kì tiên tiến lúc bây giờ. Cách chúng ta cả hơn ngàn con giáp, những xác ướp ấy vẫn còn được giữ nguyên vẹn cho đến tận bấy giờ. Từ cặp mắt, cái mũi đến tóc tai vẫn còn được bảo tồn một cách xuất sắc. Tôi chính thức ngả mũ trước sự tuyệt vời của người Ai Cập cổ xưa.

Tổng hợp: Blog Du Lịch

Xem thêm các bài viết khác về Du Lịch Ai Cập:

KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI AI CẬP TỰ TÚC

HƯỚNG DẪN XIN VISA: KINH NGHIỆM XIN VISA DU LỊCH AI CẬP TỰ TÚC

7 ĐIỀU TÔI HỌC ĐƯỢC TỪ TRẢI NGHIỆM DU LỊCH BỤI/ PHƯỢT AI CẬP CỦA MÌNH

DU LỊCH BỤI AI CẬP HỒI KÍ 8: CHÁY XE Ở CAIRO, NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG LẠ MẶT

KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI AI CẬP 2: XEM GÌ Ở ALEXANDRIA

DU LỊCH BỤI AI CẬP HỒI KÍ 7: KÌ QUAN THỨ HAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *