weather
Thời Tiết Sài Gòn
Nhiệt Độ: 30°C
Hiện tại: mây rải rác

Hướng dẫn đi tàu điện ngầm ở Hong Kong

Sử dụng tàu điện ngầm là cách đi du lịch Hong Kong thuận tiện nhất; vì hầu như các địa điểm muốn tham quan đều có thể đến bằng tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm ở Hong Kong được gọi là MTR ( Mass Transit Railway). Du lịch Hong Kong tự túc sẽ trở nên dễ dàng hơn với tất cả du khách; nếu biết sử dụng phương tiện này.

Bài viết này sẽ nói đến vấn đề mà du khách rất hay quan tâm: chính là cách đi tàu điện ngầm ở Hong Kong.

Tàu điện ngầm ở Hong Kong rất sạch sẽ và luôn được bật điều hòa 24/24. Một số tàu còn dừng chân ngay dưới tầng hầm của trung tâm thương mại; điều này càng thuận tiện hơn cho các tín đồ đam mê mua sắm ở Hong Kong.

Tàu điện ngầm ở Hong Kong là giải pháp tuyệt vời để di chuyển khắp Hương Cảng.
Tàu điện ngầm ở Hong Kong là giải pháp tuyệt vời để di chuyển khắp Hương Cảng.

Một điều phải nói đến chính là giờ cao điểm; tàu chỉ toàn người với người, phải đứng chen chúc rất mỏi mệt. Nếu bạn đi gần cũng không sao; nhưng đi 1 chặng khá xa thì đứng chen chân cũng là điều cần phải băn khoăn. Do vậy, nếu cảm thấy quá đông; thì hãy cố gắng chờ chuyến tàu tiếp theo; chứ đừng bất chấp bon chen với dân địa phương làm gì. Dĩ nhiên, là nói đến trường hợp bạn là khách du lịch có dư dả thời gian.

Cách đi tàu điện ngầm ở Hong Kong cũng rất đơn giản; không phức tạp hay chằng chịt như hệ thống tàu điện ở Nhật Bản. Đây cũng chính là 1 trong 9 lý do nên đi du lịch Hong Kong đấy. Tàu điện ngầm ở Hong Kong có hơn 10 tuyến đường chạy nhanh; với 12 tuyến đường sắt bình thường; và 155 trạm dừng chân.

Mọi người có thể xem chi tiết bản đồ MTR Hong Kong ở đây.

Có câu “nhìn lâu cũng quen mắt”. Điều này không sai, nếu mọi người chưa có nhiều kinh nghiệm di chuyển bằng tàu điện ngầm ở Hong Kong thì chỉ cần nhớ đến các tuyến đường chính phía dưới đây là được.

 

Bản đồ MTR Hong Kong.
Bản đồ MTR Hong Kong.

 

Màu Tên line Các địa điểm tham quan chính
Xanh lá đậm Airport Express Sân bay, đảo Kowloon, đảo Hong Kong
Cam Tung Chung Line Ngong Ping 360, đảo HongKong
Đỏ Tsuen Wan Line Tsim Sha Tsui ( cảng Victoria), chợ Mongkok
Xanh lá nhạt Kwun Tong Line Choi Hung Estate, Vườn Nan Lian
Xanh dương đậm Island Line Kenedy Town, Hong Kong Park, Wanchai, Causeway Bay
Hồng Disneyland Resort Line Disneyland
Vàng South Island Line Ocean Park
Tím hồng West Rail Line East Tsim Sha Tsui ( cảng Victoria)
Tím đậm Tseung Kwan O Line Quarry Bay, LOHAS Park
Xanh dương nhạt East Rail Line Tai Po Market
Nâu Ma On Shan Line Đền Che Kung

Trong đó cần chú ý nhất chính là Airport Express Line, line đỏ, cam, hồng và line tím hồng. Hầu như bạn phải sử dụng nhiều nếu muốn đi đến các địa điểm tham quan nổi tiếng ở Hong Kong. Tất nhiên cũng không thể phủ nhận một điều rằng, chúng ta cũng cần phải đi xe bus nữa.

Lấy ví dụ cụ thể:

Bạn đang ở khu Tsim Sha Tsui muốn đi đến Ngong Ping 360.

Ở khu Tsim Sha Tsui có 2 trạm là MTR Tsim Sha Tsui; và MTR East Tsim Sha Tsui ( 2 trạm này chỉ cách nhau khoảng 100m thôi). Thế nên bạn có thể đi trạm nào cũng được.

Nhìn vào bản đồ MTR ở trên:

  • Đi từ MTR Tsim Sha Tsui: trạm này thuộc line đỏ; hãy bắt tàu đi đến MTR Central; rồi chuyển qua line cam đi đến trạm cuối MTR Tung Chung ( cũng là trạm ở Ngong Ping).
  • Đi từ MTR East Tsim Sha Tsui: thuộc line tím hồng, bắt tàu đi đến MTR Nam Cheong; rồi chuyển qua line cam đi đến trạm cuối MTR Tung Chung (cũng là trạm ở Ngong Ping).

Nhìn thì thấy rối mắt vậy thôi chứ cách đi tàu điện ngầm ở Hong Kong rất dễ. Trên mỗi toa tàu đều có thông báo và bản đồ hiển thị sắp đến trạm nào. Nên bạn có thể dễ dàng xác định được trạm mình cần xuống; hoặc đi theo hướng mũi tên chỉ để ra ngoài hoặc chuyển line tàu.

Những lưu ý về cách đi tàu điện ngầm ở Hong Kong.

  • Hãy luôn chú ý đến các điểm giao nhau giữa các line tàu; để biết khi nào cần chuyển line tàu.
  • Tốt nhất là sử dụng Octopus Card, vừa tiện lợi; vừa nhanh chóng, không cần mất thời gian xếp hàng mua vé. Bạn chỉ cần nạp tiền vào thẻ là đã có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi rồi. Ở mỗi lối vào và lối ra MTR đều có chỗ quẹt thẻ; không cần phải băn khoăn chuyện tiền vé bao nhiêu.
  • Trường hợp bạn không sử dụng thẻ Octopus thì có thể thanh toán bằng tiền mặt. Trạm tàu điện đều có máy bán vé tự động và quầy dịch vụ khách hàng. Nếu ai không rành cách sử dụng máy bán vé thì có thể  liên hệ quầy dịch vụ để mua.
  • Lưu ý khi mua vé lẻ đi tàu: bạn nên mua luôn vé từ điểm bạn đang đứng tới điểm bạn muốn đến thì giá sẽ rẻ hơn nhiều; so với từ nơi bạn đang đứng đến điểm cuối của line tàu đó; và bắt đầu một line khác đến điểm đích.
Luôn có các bảng hướng dẫn line tàu.
Luôn có các bảng hướng dẫn line tàu.

Lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu.

Bạn đang ở trạm Tsim Sha Tsui ( line đỏ) muốn đi đến Tung Chung ( line vàng).

Cách tốt nhất là mua vé từ Tsim Sha Tsui đến thẳng Tung Chung luôn ( giá chỉ khoảng 16 HKD).

Nhưng nếu bạn mua vé từ Tsim Sha Tsui đến Central ( khoảng 11.5 HKD); rồi chuyển qua line vàng từ Central đi Tung Chung ( bao nhiêu nữa không nhớ rõ), giá vé sẽ mắc hơn rất nhiều đấy.

  • Máy bán vé tự động chấp nhận tiền xu và tiền giấy; mệnh giá tiền giấy cao nhất là 100 HKD. Các bạn lưu ý nên để dành tiền lẻ mua vé. Nếu trong tay chỉ có tiền giấy mệnh giá lớn hơn 100 HKD; thì cứ ra quầy dịch vụ mua vé.
  • Ở mỗi cửa ra của trạm dừng đều được đánh dấu bằng bảng chữ cái : Exit A, B, C, D, E, F, G…. Mỗi cửa đều có bảng chỉ dẫn những địa điểm tham quan. Bạn có thể nhìn vào hướng dẫn để ra cửa cho đúng. Trường hợp đi sai thì đi lại, hơi mất thời gian xíu thôi.

Bảng hướng dẫn ở mỗi cửa ra, như cửa J3, J4, J5.

Các trạm tàu điện đều có nhân viên hỗ trợ khá thân thiện và nói được tiếng Anh. Nếu không chắc về cửa ra và điểm đến của bạn, thì có thể nhờ sự trợ giúp của họ.

Trường hợp bạn mua nhầm vé trạm dừng; hoặc không tìm thấy quầy vé khi đổi line tàu; thì cũng đừng lo lắng cứ yên tâm đi đến trạm đó; và liên hệ nhân viên quầy dịch vụ để nạp thêm tiền vào thẻ; và ra khỏi trạm.

Ví dụ: bạn đi từ Central đến Yau Ma Tei, nhưng lại mua nhầm vé đi Jordan. Thì cứ yên tâm đi đến Yau Ma Tei; ở lối ra liên hệ quầy dịch vụ để nạp thêm tiền vào thẻ và ra khỏi trạm.

  • Giao thông ở Hong Kong nằm bên trái ( giống Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia..). Thế nên hãy lưu ý khi đi cầu thang bộ, nên lên xuống bên tay trái. Đối với thang cuốn, bạn nên đứng về phía bên tay phải; để chừa bên trái cho những người di chuyển lên xuống khi họ đang vội.

Trên đây, chỉ là vài lưu ý nhỏ và cách đi tàu điện ngầm ở Hong Kong dành cho những người ít kinh nghiệm. Tuy nhìn khá rắc rối nhưng thực ra rất đơn giản. Tôi tin rằng, chỉ cần bạn có 1 tấm hình; hoặc bản đồ MTR là đã có thể thỏa sức vi vu du lịch Hong Kong này rồi.

Nào, hãy thử xem sao nhé!