Ngoài những bãi biển đẹp, Bali được biết đến với nền văn hóa đặc sắc với rất nhiều những lễ hội. Trong số đó, Lễ Melasti là một chuỗi những nghi lễ được tổ chức trong vòng 3 ngày, trước “Nyepi Day” – Năm mới của dân Bali.
Melasti là gì?
Tụi mình làm video về chuyến đi Indonesia (bên dưới), phần đầu tập trung về Melasti, các bạn xem để hình dung rõ hơn nhé!
Mục đích của lễ hội là để thanh tẩy linh hồn con người, và tượng thần khỏi những ô uế, và tội lỗi. Trong quan niệm của người Bali, vũ trụ (Bhuwana Agung) và tâm hồn con người (Bhuwana Alit) tồn tại bên trong nhau, và các nguồn nước tự nhiên, như suối, biển, và hồ là “nguồn của sự sống” (Tirta Amerta), nên việc cử hành thánh lễ bên cạnh nguồn nước có thể giúp thanh tẩy cả tâm hồn và thế giới xung quanh, và mang lại sự thanh khiết từ nguồn sống “Tirta Amerta”.
Vào ngày lễ, mỗi người trong làng đều vận cho mình bộ trang phục truyền thống màu trắng đẹp nhất, mang theo của lễ rồi tụ tập tại Banjar làng mình rước thần tượng (“pratima”), và diễu hành đến một Banjar lớn hơn trong vùng. Tất cả tượng thần của các làng sẽ được tập trung làm lễ tại đây trước khi mang ra nguồn nước.
STAYNOW.VN là nền tảng tìm kiếm và so sánh giá phòng với hơn 20,000+ địa điểm lưu trú , trên nền tảng Agoda.com, Booking.com, Trip.com... đang phổ biến nhất hiện nay
Giúp bạn tiết kiệm thêm chi phí cho chuyến du lịch của mình khi tìm nơi lưu trú, hiện đang nhiều ưu đãi giảm giá phòng lên đến 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
Đúng theo lịch trình sắp xếp, có thể là chiều cùng ngày hay sáng hôm sau, mọi người một lần nữa lại cùng nhau mang tất cả tượng và diễu hành ra nguồn nước, chính là bờ biển, để thực hiện nghi thức thanh tẩy quan trọng nhất. Đến tận bây giờ, tụi mình vẫn còn nhớ cảm giác rộn ràng của ngày lễ, từng sóng người trong bộ áo trắng truyền thống, những lá cờ Umbul Umbul đầy màu sắc tung bay trước những cơn gió biển lồng lộng và những thứ âm thanh thiêng liêng từ cồng chiêng, hay từ những tiếng kinh cầu của những người diều hành. Với họ, đây không chỉ đơn thuần là một nghi lễ truyền thống, mà là cả một tín ngưỡng, một niềm tin to lớn được nuôi nấng từ lúc con người ta còn đỏ hỏn đến khi tóc bạc trắng. Trước khi đi, bọn mình cũng đã đọc thông tin và tìm hiểu sơ qua rồi, tuy nhiên phải đến đây “mục sở thị” mới cảm nhận được hết sự trọng thể và thiêng liêng của lễ hội đối với đời sống của con người địa phương như thế nào.
Mỗi khu vực, mỗi làng sẽ có cách thực hiện nghi lễ khác nhau, nhưng theo bọn mình quan sát vẫn có những điểm chung. Xuyên suốt nghi lễ, người ta lần lượt ra biển, mang theo của lễ, và cầu nguyện rồi hứng nước đem về. Bàn thờ sẽ được đặt gần nguồn nước, và tất cả mọi người đều ngồi hướng ra đó để cùng “người chủ trì” cầu nguyện. Đại diện mỗi làng sẽ cùng nhau ra nguồn nước hứng nước để thanh tẩy cho “pratima”, sau đó sẽ dùng hoa đi một vòng vẩy nước vào người dân. Cuối lễ, tất cả mọi người sẽ lại diễu hành ra biển một lần nữa, mang theo thần tượng, và hứng nước để mang sự thanh khiết từ “nguồn của sự sống” về. Các Pratima lần nữa sẽ tập trung tại đền lớn để giữ ở nơi thiêng liêng nhất.
Quan Sát Melasti ở đâu? Thời gian nào? Như thế nào?
Melasti và Nyepi được tổ chức theo lịch của Hindu giáo, nên sẽ thay đổi hằng năm. Lần này Nyepi rơi vào 17/3 nên bọn mình có mặt tại Bali 13/3 để sắp xếp tìm hiểu và dự lễ nhiều nhất có thể vì Melasti kép dài từ 14/3-16/3, trước Nyepi một ngày.
Nếu các bạn đến Bali vào dịp này, thì chắc chắn các bạn có thể quan sát được nghi thức này, vì các làng họ sẽ thay phiên nhau ra nguồn nước để làm lễ, có làng sẽ tổ chức tại biển, có làng tại hồ từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn. Do đó, nếu đi đến các bãi biển như Kuta, Ketewel, hoặc các đền gần nguồn nước như Tanah Lot, hay Ulun Danu, chắc chắn nghi lễ sẽ được làm rất trọng thể.
Lần này bọn mình cũng sắp xếp lich trình và quan sát được Melasti ở bãi biển Sanur, Mecesti, đền Tanah Lot. Tới khi chạy thục mạng đến Ulun Danu thì rất tiếc là họ đã làm xong. Các bạn nhớ tranh thủ xếp lịch đi sớm nhé!
Những điều lưu ý khi tham gia Melasti:
-
Tránh đi xe hơi, tốt nhất là đi xe máy. Bình thường đướng xá Bali đã chật hẹp rồi, mà các làng diễu hành lại càng đông đúc. Nhất là những làng ở xa, người ta không thể đi bộ nên cũng sẽ đi xe máy hoặc các xe lam để đến điểm làm lễ.
- Khi dự lễ, các bạn không nên đứng trước mặt họ, không nên đến gần bàn thờ. Các Pecalang (cảnh sát truyền thống) sẽ nhắc nhở các bạn nếu các bạn đứng phía trước hay đứng quá gần. Các bạn thích chụp hình nên chuẩn bị lens zoom. Đây là nghi lễ quan trọng với họ, nên đừng làm ảnh hưởng đến việc thanh tẩy của họ. Thật ra bọn mình cũng không biết đến quy định này cho đến khi có mặt và “được” nhắc nhở haha. Nên các bạn biết rồi thì hãy tôn trọng văn hóa của họ nhé!
-
Các bạn sẽ không được vào đến, do đó, các đền như Tanah Lot sẽ đóng cửa không cho du khách vào sâu trong khu cầu nguyện. Lần này vì mong muốn tìm hiểu “tận gốc” và quan sát đầy đủ từng chi tiết, bọn mình ở một homestay trong làng ở Gianyar, gần bãi biển Ketewel để có thể tham gia trọn vẹn nhất. Các bạn sẽ phải mặc trang phục truyền thống của họ, và tham dự với sự hướng dẫn của chủ nhà. Cảm ơn gia đình Wayan Guawan (homestay) đã chu đáo và nhiệt tình!
Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bạn hiểu thêm chút về văn hóa của Bali và có ích cho các bạn đang lên kế hoạch đi Bali nhé! Nếu các bạn có thắc mắc gì, hãy liên hệ bọn mình thoải mái nhé!
Đọc thêm: Lễ diễu hành “Quái vật” & “Ngày im lặng” ở Bali
Viết bài: Đức & Quân