Giờ G đã tới. Thời khắc quan trọng của tôi đã tới. Cuối cùng tôi cũng đã đến được Kim Tự Tháp. Cuối cùng tôi cũng đã chạm được vào mơ ước dang dở thời còn bé.
Bước xuống taxi sau khi bị quấy một chập, tôi hào hứng chạy tới quầy mua vé. Trước khi đi, tôi không quên dặn chú taxi quay lại đón tôi vào 12 giờ trưa, để có thể tiếp tục qua Memphis và Saqqara.
Kim Tự Tháp ơi ta tới đây!
Kẹt Ở Quầy Bán Vé:
Theo như quy định, nếu bạn là sinh viên, bạn sẽ được giảm 50% giá vé cho hầu hết tất cả các địa điểm tham quan tại Ai Cập. Cũng theo như quy định, bạn nên có thẻ sinh viên quốc tế ISCS để chứng nhận mình là sinh viên.
STAYNOW.VN là nền tảng tìm kiếm và so sánh giá phòng với hơn 20,000+ địa điểm lưu trú , trên nền tảng Agoda.com, Booking.com, Trip.com... đang phổ biến nhất hiện nay
Giúp bạn tiết kiệm thêm chi phí cho chuyến du lịch của mình khi tìm nơi lưu trú, hiện đang nhiều ưu đãi giảm giá phòng lên đến 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
Ngày ở Dubrovnik, Croatia, tôi quên béng về việc này. Cho đến khi còn một tuần nữa để tới Cairo, tôi mới quýnh quáng đi làm thẻ ISCS.
Chúc mừng bạn, máy làm thẻ ở trụ sở ISCS tại Dubrovnik đã bị hư. Tôi không thể bay lên thủ đô để làm thẻ. Đọc qua đọc lại trên mạng, tôi cũng tự tin về tấm thẻ…xe buýt của mình cũng làm nên chuyện. Ít nhiều gì nó cũng có chữ Student to đùng phía sau cơ mà.
– Không, trừ khi cậu có ISCS.
– Cháu không có tại máy in bị hư rồi, nhưng cháu có thẻ sinh viên mà.
Nói đoạn tôi đưa chỉ vào chữ in hoa “Student” cho bà bán vé khó tính ấy xem.
Bà ấy chẳng nói gì, cầm thẻ tôi lên, rồi đẩy ra. Mắt bà nhìn thẳng vào chỗ khác, tìm mọi cách để né tránh ánh nhìn của tôi.
Không lẽ tôi bỏ cuộc ngay tại đây? Vé vào cổng những 80LE (~240k VND) cơ. Đắt muốn chết.
Tôi đứng lải nhải, năn nỉ ỉ ôi như trẻ cơ nhỡ. Xung quanh thiên hạ bắt đầu bu lại xem thằng người “Tàu” này đang làm trò con bò gì mà bà cô bên trong cứng ngắc như tượng sáp trong khi nó cứ đứng ngoài lải nhải.
Bỗng từ đâu đó có một người tự xưng là nhân viên Kim Tự Tháp chạy tới, và ỉ ôi năn nỉ bà cô già rễ cây kia giùm để mua vé cho tôi.
Quới nhân tới rồi!
Lật Lọng:
Tôi không tin ai ở Giza cả. Bất kì ai ở Giza tôi đều liệt chung vào hạng người khát tiền và xem khách du lịch như máy ATM tự động.
Tôi đúng.
Sau khi năn nỉ gãy cả lưỡi, bà cô ấy vẫn nhất quyết không bán. Tôi đành móc ra 80LE để trả.
Cậu thanh niên nhân viên kia vẫn niềm nở vác cặp cho tôi đem vào máy chiếu, rồi còn hứa sẽ dắt tôi vào lăng mộ Pharaoh với gía cực ưu đãi.
Trước khi chính thức vào khu Kim Tự Tháp, bạn sẽ phải để hành lý qua máy soi, nhằm xem có ôm bom hay những gì nguy hiểm không.
Có một lần tôi nghe phong phanh đâu rằng, những cậu Hồi Giáo Cực Đoan ở Ai Cập đang âm mưu thôn tính hết những di vật phản Hồi Giáo càng nhiều càng tốt. Kim Tự Tháp và những đền đài thành quách nằm trong dự tính của họ. Nghe thì nghe như thế thôi, chứ còn tính xác thực như nào thì tôi cũng không rõ.
Quay trở lại cậu nhân viên, tôi hỏi thẳng.
– Tôi không có tiền tip đâu. Nếu cậu là nhân viên ở đây và có ý tốt giúp tôi, tôi hết sức cảm ơn. Nhưng tôi sẽ không có chi một đồng nào cả.
– Đi nào đi nào – Cậu đôn đả lấy giỏ xách của tôi rồi tiến vào bên trong.
– Ngưng lại tí. Cho tôi lấy lại giỏ. Tôi muốn sòng phẳng ở đây. Tôi muốn chắc chắn cậu giúp tôi không phải vì lợi nhuận thêm nào?
– Thế thì 50 LE nhé.
Trời. Tôi đoán có mà sai. Tôi bỏ đi một nước. Mới ngày thứ ba ở Ai Cập mà ai cũng coi tôi như một con mồi ôm tiền béo bở.
Kim Tự Tháp và Con Nhân Sư Xấu Xí:
Nếu lúc ấy tôi mua tour đi xem thì đâu đến nỗi. Nhưng không tôi đi một mình, và đi một mình ở bên trong Kim Tự Tháp chẳng biết có phải sự lựa chon tồi nhất của tôi hay không.
Tôi chỉ có đúng 5 phút ngắn ngủi để cái niềm hân hoan về một kì quan cổ đại lừng lẫy tụt xuống không phanh. Bất cứ tôi đi tới đâu, tôi đều “được” mời đủ thứ dịch vụ trời ơi đất hỡi của Giza.
– Nihao.
– Tôi không phải người Tàu.
– Chứ từ đâu tới?
– Vietnam
– Xin chào
Hả????
Dân khát tiền bắt đầu tấn công bằng đủ hình thức. Chưa ở đâu mà người dân chèo kéo một cách vừa nhây vừa lì như ở Giza. Mở mồm ra với bất kì lý do nào cũng như tự đào hố chôn mình. Họ sẽ đi và lải nhải đến khi nào bạn chịu hết nổi mới thôi.
Trước khi rời Kim Tự Tháp, tôi cũng muốn chụp một pose thị trường với lạc đà và background là Kim Tự Tháp.
– 20 LE một lần cưỡi lạc đà.
– Bye.
– Thế 10 LE nhé. OK 5 LE.
Tôi ngồi lên lạc đà, nhe răng ra cười.
Xong tấm 1, tôi tính nhảy xuống. Cậu ấy cười bảo không sao đâu. Ở Ai Cập là phải vui. Người Ai Cập yêu thương và thân thiện lắm.
Tôi không tin.
Tôi xua tay và đòi nhảy xuống.
– 4 tấm là 20 LE nhé.
Tôi lấy máy chụp hình của mình lại, xoá đúng 3 tấm kia, trả 5 LE cho tên đấy rồi đi. 20 LE tổng chẳng là gì đâu. Tôi chỉ tức và điên vì thái độ ăn tiền một cách bất chấp như kia.
Kim Tự Tháp và Nhân Sư giờ trở nên chán và xấu xí một cách không tưởng. Giờ cũng chỉ là mấy cục đá vàng vàng nằm giữa sa mạc, không hơn không kém. Con cháu Pharaoh gì mà tha hoá như thế? Hậu duệ của một nền văn minh lừng lẫy một thời giờ trở nên như thế này sao?
Đi tới miệng Kim Tự Tháp, tôi lại sực nhớ khi nãy do lải nhải quá lâu ở ngoài chỗ bán vé mà quên mất rằng mình vẫn chưa mua vé chui vào bên trong. Nhưng tôi vẫn không ra mua lại. Tôi bỏ chạy khỏi Kim Tự Tháp như chạy tà. Cảm xúc háo hứng khi nào sụp đổ và bốc đi hơi nhanh không thể tả.
Sao thì sau này chắc chắn tôi sẽ quay lại Kim Tự Tháp để ít nhất cũng phải vào bên trong xem sao, nhưng ngay lúc đó, tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này càng nhanh càng tốt.
Chào tạm biệt Kim Tự Tháp, chào tạm biệt giấc mơ sụp đổ ngay trước mặt của tôi.
Trước khi về còn có hỗn loạn đánh nhau ở trước cổng Kim Tự Tháp nữa, chẹp.
Disclaminer: Bài viết trên là kinh nghiệm và câu chuyện ở Ai Cập của tôi, và chỉ mang tính tham khảo. Mỗi cá nhân sẽ có một cách tận hưởng, và du lịch khác nhau.
Bạn có thể theo dõi thêm về cuộc hành trình 19 ngày của tôi tại Ai Cập ở đây.