weather
Thời Tiết Sài Gòn
Nhiệt Độ: 30°C
Hiện tại: mây rải rác

Du Lịch Mộc Châu – trải nghiệm đáng nhớ

Chia sẻ kinh nghiệm và những trải nghiệm mình có được sau chuyến du lịch mộc châu vừa rồi cho các bạn tham khảo

Mộc Châu | Phần 1: Thác “Chiềng Khoa” là ở đâu? – Bắt đầu hành trình.

Từ nhà của Dương, Homestay November Mộc Châu, hai đứa mở Google maps thì thấy thác Chiềng Khoa cách khoảng 30 cây số. Hai đứa dùng bữa trưa trong gian bếp tháng 12 rồi lấy xe máy bắt đầu hành trình lúc 2 giờ kém nắng chang chang.

Thị trấn Mộc Châu nhỏ bé, nhưng cũng đã bắt đầu phát triển hơn rồi, khói bụi xây dựng cũng mù mịt làm tụi mình thấy ngột ngạt quá chỉ muốn lao thật nhanh ra ngoại ô. Sau bao nhiêu năm tháng đi lạc, kinh nghiệm của mình là phải vừa coi bản đồ, vừa kết hợp hỏi người dân, mà phải hỏi liên tục hai ba người để cho chắc ăn. Vậy mà không hiểu sao chạy hoài cũng không thấy tới haha.

thác Chiềng Khoa

thác Chiềng Khoa

thác Chiềng Khoa

“Quân ơi, coi chừng đi lạc nữa bây giờ nè, ở đó mà vừa đi vừa hát.“ – Đức càm ràm

Số là Quân lại có cái tật là hay hát linh tinh trên đường, mà cứ thả hồn theo bài hát đến mức đi lạc hồi nào không có hay. Có khi đi làm về nhà mà lo hát đến lúc hoàn hồn thì đã qua khỏi nhà hơn 5 cây số phải quay đầu lại.

Suốt dọc đường, hai đứa thấy nhiều cây hồng trái say trĩu quả cam lè, rồi hết đồi chè này đến đồi chè kia hiện ra xanh mướt. Phải nói là lâu lắm rồi tụi mình mới có cảm giác thoải mái được như vậy. Không khí bắt đầu loãng hơn, nhiệt độ cũng giảm dần khác hẳn với sự bụi bặm và oi bức của thị trấn.

Nhìn chung thì đường xá ở Mộc Châu và các điểm đi chơi cũng không có khó đi lắm, như đường đến thác Chiềng Khoa này cũng vậy, dù là có những đoạn đèo cũng quanh co, nhưng so với Hải Vân thì còn kém rất là xa. Tụi mình tay lái đều yếu nhưng vẫn chạy ngon lành. Tự nhiên ngồi nhớ cái đợt đi đền Ulun Danu ở Bali. Thiệt sự là đường đi không có khó đâu, nhưng tụi mình cũng toàn phải xuống dắt bộ vì xe bị hư thắng nên lúc xuống dốc sợ quá trời sợ.

Không có thác nào tên là “Chiềng Khoa”?

Đến được Chiềng Khoa rồi! Nhưng không hiểu sao cả hai đi hỏi dân địa phương Thác Chiềng Khoa ở đâu thì không một ai biết.

“Đây là Chiềng Khoa, nhưng nhiều thác lắm, muốn đi thác nào?“

“Dạ, tụi con đi thác Chiềng Khoa, rồi đi thác Nàng Tiên.”

“Chiềng Khoa là ở đây, nhưng rất nhiều thác, không có thác nào tên thác Chiềng Khoa. Thác Nàng Tiên thì đi thẳng đường này.”

thác Chiềng Khoa

Thôi, cứ đi đại, miễn tới thác là được. Trời cũng đã về chiều rồi mà hai đứa còn muốn đi thêm vài bản làng trên đường về nữa. Đi được thêm một đoạn thì thấy cả một lũ trẻ đang tắm suối. Dù đang vội, nhưng cả hai đều không cưỡng lại được vẻ đẹp ngây thơ của cả lũ nên phải dừng lại chơi, chụp ảnh và trò chuyện. Cả đám nháo nhào, đứa thì đòi chụp hình, còn đứa thì mắc cỡ che mặt. Cả hai nhìn xuống con suối nước chảy cũng không được “êm đềm” gì.

“Sao tụi con gan vậy, nước siết quá trời mà tắm vậy không sợ hả?”

“Nước này vui mà chú, có gì đâu, tụi con ai cũng bơi giỏi. Coi nè.” Nói xong là thằng cu ùa liền từ trên cầu xuống suối còn lộn mèo làm trò. Rồi cả đám trẻ vùng cao cũng lần lượt ùa xuống suối trong sự hoảng loạn của hai chú già đồng bằng. Người thì ướt sũng như con chuột lột, chúng kéo hết lên bờ cười giỡn đòi chụp hình, đòi coi hình rồi cười to khi thấy hình mình trong máy ảnh.

“Hai chú đi thác hả hai chú?“

“Ừa, chỉ đường hai chú coi.”

“Hai chú đi thẳng, thác có tới 7 tầng lận. Đi xong chụp hình về cho tụi con coi nha hai chú!”

Đừng tin vào Google Maps!

Vậy là tạm biệt lũ nhỏ, tụi mình lại tiếp tục đi tìm đường đến thác. Hai đứa đã ngán ngẫm với Thác Chiềng Khoa vì hỏi mà không một ai biết, đinh vị Google Map thì cũng đã qua rồi nhưng cả hai vòng đi vòng lại cũng không thấy nên thôi cứ hỏi tiếp thác Nàng Tiên vì nó có tên gọi rõ ràng, dễ hỏi. Chạy mãi mới gặp một chị người dân tộc để hỏi đường.

“Đi ngược lại 3km” chị phán một câu xanh rờn.

Hai đứa lại thục mạng chạy vì đã hơn 3h30 chiều rồi. Trên đường, tụi mình gặp một anh nông dân, vậy là ảnh dẫn đến ngay đường xuống thác và cảnh báo rằng mùa này không nên đi Thác Nàng Tiên đâu, vì nước rất siết. Hơn nữa cũng không chạy xe vào được mà phải để xe ở đây và đi bộ tầm 3km. Thiệt sự tụi mình không ngại đi bộ, nhưng thời gian lại không cho phép. Đành phải bỏ qua luôn, nhưng không lẽ bỏ cả nửa ngày đi đến tận đây mà không đi được cái thác nào.

“Đi thẳng tầm 3km rồi qua cầu quẹo tay phải đi thác 7 tầng đi hai đứa.”

À, tụi nhỏ lúc nãy cũng đề cập đến thác 7 tầng. Hóa ra nó là tên 1 cái thác, vậy mà tụi mình cứ nghĩ là thác nàng Tiên có đến 7 tầng. Vậy là tại tiếp tục quay lại đường cũ.

Đường xuống thác cũng không thể đi bằng xe máy, mà tụi mình phải đậu xe rồi đi bộ xuống. Phải nói là dốc kinh khủng, đang xuống mà tụi mình đã nghĩ đến đoạn đường đi lên nó gian nan cỡ nào. Đoạn đường này mình nghĩ là kiểu dân tự quản, các bậc thang xuống thác cũng thô sơ, khoảng cách giữa các bậc thì xa ơi xa, dốc thì thẳng đứng nên đi rất là mỏi. Đi tầm 15 phút là tới thác.

Bên dưới có chú cũng lớn tuổi, dựng sẵn một cái bè đưa khách đi sang bờ kia. Chú bảo rằng chụp thác phải đi ra giữa thác mới đẹp. Hai đứa quan sát một hồi rồi lưỡng lự một hồi rồi chấp nhận với giá 20.000VND/ hai người. Thiệt ra giá thì không cao nhưng tụi mình chỉ muốn coi sơ về an toàn thôi. Bè trơn dã man, chú thì khỏe ơi là khỏe, điều khiển cả người cả người theo ý mình, muốn dừng là dừng muốn đi là đi. Qua bờ kia, hai đứa quyết định bay flycam để xem cho đủ các tầng.

Thác nhìn đơn giản nhưng phải bay lên mới thấy hết được sự hùng vỹ. Những tầng thác xen kẽ những mảng xanh của núi rừng thật là đẹp. Ba con người đứng chung trên một tảng đá, chụm đầu vào quan sát một màn hình điện thoại rồi tự thấy mình quá nhỏ bé trước thiên nhiên bao la.

Trên đường về, tụi mình vẫn thắc mắc mãi Thác Chiềng Khoa thật ra là ở đâu? Cả một buổi chiều lang thang, rồi đi lạc cuối cùng tụi mình lại đi một cái thác khác. Tối hôm đó, khi cu Min vừa ngủ say, hai đứa phải lôi Dương ra bếp xem ảnh và trò chuyện. Hai đứa vẫn xoáy vào ngọn thác truyền thuyết – Thác Chiềng Khoa. Dương xem hình và bảo, chính là thác 7 tầng bọn anh đi đây.

Hoá ra, thật sự không có một ngọn thác nào tên Chiềng Khoa. Chỉ là ngọn thác ở khu vực Chiềng Khoa rồi November homestay bỏ vào bản đồ cho dễ gọi mà thôi.

Mộc Châu | Phần 2: Chợ phiên Pà Cò

Hai đứa mình rời homestay The November Mộc Châu khi các ngọn núi còn chưa thức giấc, bản làng vẫn còn say ngủ, êm đềm nhường lại không gian cho con suối ngày đêm ca hát không ngừng. Lạnh quá! Không ngờ buổi sáng hôm nay lại lạnh như vậy. Bật Google Map coi đi coi lại để chắc chắn rằng “nghiệp đi lạc” không không quật hai đứa tại Mộc Châu trong một buổi sáng trong trẻo hiền hòa.

Băng qua những ruộng ngô xào xạc, mặt trời bắt đầu ló dạng và dát vàng cả những con đường; sương sớm còn lẩn quẩn chưa tan làm nên một khung cảnh thật sự tuyệt vời, cả hai phải ngừng lại chụp ngay một tấm ảnh. Đã lâu lắm rồi từ chuyến đi Myanmar tụi mình mới thấy được cảnh tượng bình minh đẹp như vậy.

Trời cũng ấm áp hơn. Nhắm hướng Hua Tạt, cả hai cứ chạy mãi, băng qua biết bao nhiêu là bản làng nhỏ chìm trong màn sương. Con người bắt đầu xuất hiện. Người đeo gùi, người địu con, người đi bộ, người đi xe. Không khí núi rừng không còn yên tĩnh nữa. Chúng tôi nhiều lần, rất nhiều lần muốn dừng lại, để trò chuyện, để ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ này, hay đơn giản chỉ để thỏa mãn sự tò mò của mình. Nhưng chợ Pà Cà chỉ mở buổi sáng mà chúng tôi muốn đến đó sớm nhất có thể…

Chợ Đêm pà Cò

Chợ Đêm pà Cò

Chợ Đêm pà Cò

Chợ Pà Cò thật ra là thuộc Mai Châu chứ không phải Mộc Châu. Nhưng khi hai đứa ở nhà coi bản đồ và tìm hiểu thông tin thì khoảng cách từ trung tâm Mai Châu đến đây cũng ngang ngửa. Nói cách khác, chợ này gần như nằm nữa Mộc Châu và Mai Châu. Từ thị trấn Mộc Châu muốn đến đây sẽ phải đi ngang Lóng Luông. Nghe đến cái tên này, hai đứa đã cảm thấy hãi hùng.

Cái tên Lóng Luông nổi lên khắp cả nước mình như một “thánh địa ma túy”. Hình phạt đối với các tên trùm ma túy rất cao, từ tù chung thân đến tử hình. Chính vì vậy, người ta đồn rằng các tay buôn ở đây chơi chiến thuật “thà giết lầm hơn bỏ sót”. Người lạ có máy ảnh đi vào bản là có nguy cơ bị bắn rất cao. Mới cách đây một năm, báo chí đã loan tin về màn đấu súng giữa 300 cán bộ và vỏn vẹn hai tên tội phạm. Chúng dùng cả lựu đạn, xăng hay bình ga. Bà con trong khu vực cũng phải sơ tán an toàn.

Chạy qua khu vực này, hai đứa cũng quan sát thử xem, nhưng mọi thứ vẫn rất yên bình dù người ta đồn thổi rằng nạn buôn ma túy vẫn còn tồn tại. Có lẽ rằng tụi mình vẫn chỉ chạy bên ngoài mà không len lỏi vào bên trong các bản làng xa xôi. Hoặc là “con ma màu trắng” kia thật sự đã được xóa sổ.

Cuối cùng tụi mình đã đến được chợ Pà Cò. Đây là lần đầu tiên cả hai đi một phiên chợ vùng cao nên rất thích thú. Đây là phiên chợ chỉ họp duy nhất vào mỗi Chủ nhật hằng tuần. Phiên chợ nhiều màu sắc đến mức hoa mắt hai con người đồng bằng. Tụi mình ngồi ăn một vài cái bánh cam chiên giòn quan sát những người dân mua bán, trao đổi rồi đi loanh quanh. Khu chợ nhỏ xíu, đi một vòng là hết nhưng mỗi gian hàng đều có những thứ níu chân tụi mình lại. Họ bán đầy đủ từ trang phục đến các phụ kiện của người dân tộc. Đa số là người H’mong nhưng đôi khi cũng có người Tày, người Thái. Phải nói, nếu có giải thưởng về thời trang, thì tất cả những người dân tộc ở đây đều vô địch từ cách phối phụ kiện cho đến màu sắc.

Họ nhìn chúng tôi cười. Cái nhìn quen thuộc dành cho những người xa lạ. Hai chúng tôi nhìn họ bằng tất cả sự tò mò, và thích thú. Họ dễ thương hết sức. Giọng thì lơ lớ tiếng Kinh nhưng gặp tụi mình vẫn không khỏi trò chuyện, hỏi han. Như một cụ bà hỏi tụi mình có phải đến từ Hà Nội không, vì bà rất hay xuống Hà Nội chơi rồi đi lạc…Nói xong bà cười phá lên, tụi mình cũng cười vì sự trùng hợp của ba bà cháu – những con người thích đi lạc…

Mộc Châu | Phần 3: Bản Tà Số – lối vào nơi “nguyên thủy”

Ngôi làng “Nguyên Thuỷ.”

Tụi mình đã từng say sưa nói về một chuyến đi đến các bản làng vùng cao. Nơi mà thiên nhiên khắc nghiệt nhất, cũng là nơi sự sống thể hiện sự mãnh liệt của mình rõ ràng nhất. Dương, cô chủ nhỏ của homestay The November – Mộc Châu, biết được ý muốn đó bèn khoe rằng chồng em và vài người bạn đã có một chuyến đi nhỏ đến một ngôi làng tên là “Nguyên Thủy”. Thật ra, chẳng có một bản nào tên như vậy cả; tên gọi đó là do Tuấn Anh, chồng Dương nghĩ ra.

Ngôi làng “Nguyên Thuỷ.”

Ngôi làng “Nguyên Thuỷ.”

Ngôi làng “Nguyên Thuỷ.”

Ngôi làng “Nguyên Thuỷ.”

“Dương ơi, tụi anh muốn đến đó và sẽ đến đó Dương ơi”.

“Tiếc quá, chồng em hiện tại đang ở Bắc Thái và sắp sang Lào nên em cũng không biết đường. Để em nhắn hỏi rồi trả lời tụi anh.“

Sau bao nhiêu lâu chờ đợi (chắc 2 tiếng, nhưng đối với hai kẻ đang chờ tin thì nó phải dài như hai ngày), thì cũng nhận được tin nhắn của Tuấn Anh. Nhưng mọi thứ cũng chưa rõ ràng, vì cơ bản Tuấn Anh cũng phát hiện ra trong một lần đi chơi với đám bạn mà chưa định vị lại chính xác, mà cũng không chắc có thể định vị nó chính xác hay không. Manh mối chỉ nằm ở Tà Số, rồi lại tiếp tục hỏi đường người dân bằng hình ảnh mà Tuấn Anh chụp được. Cẩn thận lưu lại tất cả, tụi mình lên đường lúc 6h30 sáng sau khi ăn xong hai bát mì ở The November – Mộc Châu.

Hành trình bắt đầu!

Từ trung tâm thị trấn đến Tà Số chỉ tầm 15km thôi nhưng không hiểu sao tụi mình lại đi lạc được đến hai lần. Mãi sau mới tìm được đường đi lên Tà Số, là một con dốc cao trên đường Quốc Lộ. Cứ chạy mãi, chạy mãi thì tụi mình cũng bắt đầu thấy bóng dáng của bản làng. Những ngôi nhà gỗ mộc mạc, đơn sơ; những con người nụ cười hiện hòa khoác lên mình những bộ trang phục rực rỡ. Người ở đây đa số là người H’mong và vẫn giữ nghề nông vẫn là công việc chính. Người ta trồng rau, trồng ngô dọc xanh bên đường xanh mướt. Giọng cười giòn tan của lũ trẻ khiến tụi mình dừng lại và quyết định vào chơi với chúng. Thấy máy ảnh, chúng tạo đủ kiểu, đủ trò.

“Cho xem, cho xem”, cả một đám tranh nhau xem lại ảnh rồi cười phá lên khi nhìn thấy mình trên cái màn hình bé xíu.

Đi đâu cũng vậy, ở Mộc Châu cũng không ngoại lệ, cứ gặp trẻ con là tụi mình cảm thấy cuộc sống dễ chịu dễ sợ. Như hồi đi Jogja (Indonesia), tự nhiên lại lọt vào một ngôi làng bên bờ sông rồi cả một đám trẻ ùa ra cười giỡn khi thấy tụi mình. Rồi khi tụi mình rời đi, tụi nhỏ cứ quây quần lại rồi “tạm biệt”. Như lũ trẻ này cũng vậy. Cách mà tụi nó “tạm biệt chú, tạm biệt chú” nghe vừa giận, vừa thân thương gì đâu! Biểu kêu bằng anh mà cứ chú, tức ghê!

Tụi mình lại tiếp tục lên đường. Quân tự nhiên thắng lại. Linh cảm cho biết rằng “Lạc nữa rồi!”. Tụi mình tắp vào bên đường rồi đưa hình cho một anh người Kinh đang sửa xe. Biết ngay mà, đi lố hơn 2 cây số rồi. Quay lại chạy mãi, chạy mãi vẫn không thấy đường lên như ảnh mà Tuấn Anh gởi, tụi mình tiếp tục dừng xe. May quá, có cả gia đình người Mông đang chạy đến. Anh chị dừng lại. Đứa con gái mắc cỡ nép vào váy mẹ. Họ chỉ tụi mình đường đi. Lại quay ngược lại tầm 1 cây. Đứng dưới dốc. Quan sát mãi từng xe đi số. Một xe, hai xe, ba xe. Trời ơi sao mà người ta di chuyển tài tình thế này. Dốc thì cao mà còn sình lún. Nhắm mắt phi đại lên. Đi tầm 100m thì đụng ngay một vũng sình lầy to tướng. Nhìn xa xa không còn đường nhựa nữa mà ổ chuột, ổ ngựa, ổ voi nối tiếp nhau.

Quân phi một cái sụt luôn xuống sìn, “Không chạy được Đức ơi, kéo xe lại đậu rồi đi bộ vậy”.

Theo hướng dẫn của Tuấn Anh thì chỉ cần 2km nữa là tới. Trời bắt đầu nắng lên, nóng và rát kinh khủng. Chân hai đứa giờ đã lắm lem sình lầy. Không hiểu người dân ở đây sao mà chạy xe hay khủng khiếp. Cả con nít và phụ nữ đều “phi xe” như bay luôn dù đường đang rất kinh hoàng, bên phải lại là vực…

“Đi đâu đấy?”, một chị người Mông hỏi hai đứa mình.

“Tụi em đang đi tìm đường đi Hang Táu. Mà cũng chưa đến Hang Táu đâu, tụi em đi cái bản này”.

“Mà sao không đi xe máy đi, đi bộ không nổi đâu. Cũng xa xa.“

Nói rồi, chị chỉ tụi mình đi men theo đường này rồi rẽ sang trái, đi mãi rồi gặp ai thì hỏi tiếp. Tụi mình lại tiếp tục đi. Nước thì cũng cạn mà nắng thì muốn vỡ đầu. Xa xa, tụi mình thấy một vài chị người Mông đang gặt lúa. Mùa này thì không còn lúa nhiều nữa, chỉ còn rất thưa thớt. Người thì gặt, người thì tuốt lúa. Tụi mình cảm thấy thương dân mình trên này thiệt sự. Đất thì không có nhiều, thời tiết thì khắc nghiệt, điều kiện thì thiếu thốn, vậy mà người ta vẫn kiên cường mà sống. Vui vẻ, và nhiệt thành.

“Chú ơi, chú có biết cái bản này ở đâu không?”, tụi mình lại tiếp tục hỏi một chú khác đang đi ven đường.

“Có đấy, đi thẳng qua hai ngọn núi này là đến”.

“Hai-ngọn-núi”? Đơn vị đo lường gì đây? Hai đứa nghe mà xây xẩm mặt mày. Bây giờ quay lại thì thấy tiếc. Nhỡ mà chỉ còn tí nữa là đến thì sao? Đi bộ nãy giờ cũng đã gần hơn 2 cây số rồi. Nhìn đồng hồ cũng đã gần 11 giờ trưa, tụi mình quyết định quay lại. Chưa đến “nguyên thủy” đã quay lại với cuộc sống hiện đại rồi. Nói chung là cứ coi như để khuyết một phần để sau này quay lại, tụi mình sẽ hoàn thành nó. Và cũng coi như cho Tuấn Anh cơ hội dắt tụi anh đi chơi nha!

Sự cố bất ngờ!

Leo lên được con xe để chạy về là hai cặp giò tụi mình cũng rã rượi. Nghĩ đến ngày xưa đi học, tụi mình cũng từng đi bộ, rồi sang hơn chút thì đi xe đạp thấy hay ghê. Bây giờ lớn rồi, đi xe máy riết quen nên vận động một chút thì đã mệt. Vừa nghĩ đến xe đạp là cả một đàn trẻ con đạp xe nối đuôi nhau chạy xuống đồi. Tụi mình cũng đi cùng bọn chúng. Vẫn cái màn vừa chạy vừa reo hò rồi còn thách thức tụi mình dí theo nữa chớ. Quân thì là chúa nhát gan, sợ tốc độ, sợ độ cao, sợ mọi thứ trên đời nên thấy tụi nó phóng nhanh chút là la làng lên cản, “chậm thôi mấy đứa, trời ơi đi nhanh quá!”.

Rồi đó, cuối cùng điều gì đến nó cũng đến. Xe đứt thắng giữa đường. Giữa một nơi như thế này thì lấy đâu ra người sửa xe được đây. Tụi mình nhắn tin cho Dương. Nhưng thiệt ra nhắn là nhắn vậy thôi chứ giờ cầu cứu thì cũng không biết làm sao mà chỉ chỗ cho Dương đến nơi tụi mình đang đứng nữa. Còn nhớ lúc xe hư thắng khi đi đền Ulun Danu ở Bali, tụi mình đã phải đẩy bộ rất nhiều đoạn, nhất là đoạn xuống đồi dài cả 10 mấy cây số. Báo hại đi từ 6 giờ mà đến 12 giờ đêm với đến được khách sạn. Bây giờ còn tệ hơn là trời đang nắng chang chang, đẩy về thị trấn chắc đi truyền nước biển. Loay hoay thử đi thử lại cái thắng tay thì nó lại vô khớp. Mừng quá báo cho Dương một tin rồi phi ngay về thị trấn tìm ăn cá hồi.

Sau một lượt đi đến quán nào đóng cửa quán đó, tụi mình đã băng thêm hơn 15km để tự thưởng cho mình một chầu cá hồi cũng-ra-gì ở Chiềng Đi. Đời thật vui khi ngắm cảnh đẹp xong lại được ăn no. Lại yêu Mộc Châu thêm nhiều chút.

Chia sẻ: Blog Du Lịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *