Tôi nhớ như in ngày tìm được một trong những mục đích sống lớn nhất của cuộc đời mình.
Kho báu tôi vô tình tìm được, nằm tại trang số 12 của quyển Lonely Planet: The World mà tôi mua được trong chuyến du lịch bụi Dubai ở năm trước.
Đi độc hành, đi bụi, không đi máy bay, từ châu Âu về châu Á trong 6 tháng.
Điên à?
STAYNOW.VN là nền tảng tìm kiếm và so sánh giá phòng với hơn 20,000+ địa điểm lưu trú , trên nền tảng Agoda.com, Booking.com, Trip.com... đang phổ biến nhất hiện nay
Giúp bạn tiết kiệm thêm chi phí cho chuyến du lịch của mình khi tìm nơi lưu trú, hiện đang nhiều ưu đãi giảm giá phòng lên đến 50% và coupon giảm giá lên đến 250K
À thật ra Lonely Planet xúi tôi nên đi máy bay ở một vài chặng, nhưng Lonely Planet hướng dẫn là một chuyện, mình có làm như thế không, lại là chuyện khác.
Tôi xin trích dòng status trên trang du hí của mình, để tạm mở đầu cho chuyến đi dài ngày này.
“Chào mọi người,
Hiện giờ mình đang ở Áo, đeo hai cái balo to vừa đủ chút quần áo, vài viên kẹo dừa mẹ gửi mang theo, một bịch bột giặt Omo loại bé, một đầu óc hơi bướng, một đôi chân vẫn còn chưa mỏi, và vài bải lĩnh cỏn con tự phong cho chuyến đi của chính mình.
Đây là ngày thứ 12 mình lang thang trên đường. Chuyến đi này là chuyến đi (hy vọng) là dài nhất của mình, bắt đầu từ Pháp, và về Việt Nam trong 6 tháng bằng đường bộ. Thế nên sẽ không có máy bay (tức là mình sẽ đi bằng xe lửa, xe đò, xe buýt, bò, ngựa, cá heo, v…v…).
Và đây (hy vọng) là chuyến đi để đời của mình, chuyến đi để tìm lại mình, mình là ai, và mình là cái gì trong cuộc sống này, là chuyến đi để thử thách chính bản thân xem mình đương đầu với những mảng sáng và tối của cuộc đời ngoài kia ra sao.
Bây giờ bụng mình xẹp được chút, trong khi mụn lại nhào lên hơi nhiều. Áo chỉ còn đúng 1 cái, do lúc soạn đồ quên mất kiểm tra và chỉ mang đúng…3 cái áo trong chuyến đi! (Mình vẫn giặt đồ thường xuyên do các bác chủ nhà yêu thương cho xài ké máy giặt), nhưng những kỉ niệm và niềm vui thì không thể kể xiết.
Bao nhiêu câu chuyện và hỏi ức đọng lại ở chuyến đi. Có khi hạnh phúc chảy xiết trong lòng, và nhanh quá, để rồi vụt qua lúc nào không hay.
Mình không biết chuyến đi này có thành công không, nhưng mình sẽ cố gắng hết sức \:D/.”
Và mời mọi người dừng chân ở trạm đầu tiên: Pháp
1. Bonjour Paris!
Chuyến bay từ Thái Lan đến Pháp đón tôi bằng một không khí lạnh đặc trưng của những vùng đất ôn đới, như lần đầu Los Angeles của Mỹ đón cậu học sinh 16 tuổi tay xách nách mang mấy cái ba lô và sự hồn nhiên lẫn bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân tới vùng đất của giấc mơ Mỹ mà đầy người đã đánh đổi cả bao nhiêu thứ để có được.
Bước ra khỏi khoang máy bay, và tôi khựng lại, vì một sự thêm thắt khá nổi trội ở đây. Sự thêm thắt của một ngôn ngữ: Ngôn-ngữ-ai-cũng-biết-là-ngôn-ngữ-nào.
Người Trung Quốc hẳn là phải tới Pháp rất nhiều, nhiều hơn hẳn cái nhiều bình thường của biết bao cái nhiều khác, để tiếng Trung Quốc vinh dự được trưng dụng ngôn ngữ của mình trong sân bay này.
Tôi rất rõ việc Trung Quốc là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới (nguồn), hơn cả tiếng Anh, “quốc ngữ” gần như tuyệt đối cho “công dân toàn cầu”. Nhưng việc mỗi bước chân mình đi qua đều xoẹt lại một vài cụm từ Trung Quốc phía sau lưng thì vẫn còn lạ lẫm lắm.
Tôi vẫn không hình dung một ngày nào đó, khi tôi mở mắt, và tiếng Trung Quốc bỗng dưng được trưng dụng một cách chính thống ở một trong những sân bay lớn nhất của châu Âu.
Tiếp đón tôi tại cổng là một giáo sư người Pháp Do Thái Giáo, trong tay sở hữu cả hai trong những cuốn hộ chiếu mạnh nhất thế giới: Pháp và Israel. Ông từng ở trong quân đội Israel, từng cầm súng bước ra thương trường năm nào ở trận chiến sáu ngày giữa Israel và đội quân Ả Rập ở những năm 60 của thế kỉ trước, và hiện tại đang làm việc trong ngành hội hoạ và âm nhạc ở Paris.
Và điều đó đồng nghĩa với việc tôi được hưởng gần như hầu hết những đặc ân khi tham quan Paris, từ vị giáo sư này.
Ngồi ở trong phòng khách, tay cầm ly trà nóng, và tôi vẫn chưa thể tưởng tượng mình đang ngồi ở Paris, thủ đô của Pháp, thủ đô của một quốc gia một thời nổi bần bật trên bản đồ thế giới về gần như mọi thứ, trải dài từ tháp Eiffel, Napoleon, đến bánh mì Pháp, Đông Dương, và cả hàng tỉ thứ hay ho và ít-hay-ho khác.
Rồi host hỏi tôi, cháu ăn trưa không? Nay có món súp cà chua đặc biệt đấy.
2. Súp và Sinh Tố, Và Cà Chua:
Tôi không biết ăn cà chua sống. Cái vị cà chua sống đối với tôi rất căng thẳng, căng thẳng hơi khi tôi học môn hình học năm nào.
Hình học – cà chua: 1 – 0
Nhưng du lịch bụi với tôi tất cả thuộc về trải nghiệm, là làm những điều mình chưa bao giờ mình dám làm, xem những điều mình chưa bao giờ nhìn thấy, và ăn những món ăn mình chưa bao giờ dám nếm qua.
Trước mặt tôi bây giờ là một tô súp cà chua. Súp mà. Là súp.
Súp là một trong những điều tuyêt vời nhất thượng đế ban cho tôi, sau chả lụi thần thánh ở quê nhà, và sinh tố chà là của Ai Cập.
Trong đầu tôi hiện lên biết bao nhiêu hình ảnh đầy lãng mạn mà một tô súp ở Pháp đem lại. Gì chứ ăn súp ở Pháp, nơi mà trong các mẫu quảng cáo sến súa lúc nào cũng tô lên thành phố này sự trang nhã và thanh thoát, chắc chắn phải là một trong những điều thiêng liêng nhất mà tôi từng làm.
Thế là tôi há mồm, và đưa miếng súp cà chua trông mát rười rượi kia vào.
Tôi chỉ kinh sợ cà chua sống, chứ cà chua chín, nấu với bất cứ thứ gì, chả là gì với tôi cả.
Nhưng món ăn tôi vừa đưa vào mồm, lại không phải cà chua chín.
Mắt tôi mở to ra gần như hết mức. Kiểu này mà có cô nào mắt ti hí cần phẫu thuật, nhòm cặp mắt tôi lúc ấy, đảm bảo không ghen tị không ăn tiền.
Thứ súp mát rười rượi kia thật sự mát rười rượi, đúng nghĩa đen.
Tô súp nhỏ xíu, nhưng sức mạnh của sự huỷ diệt mà nó đem lại cho thanh niên ngáo ộp gần như là tuyêt đối. Thanh niên ngáo ộp như muốn gục ngã trước cái tanh của cà chua sống, và đặc biệt là cái lạnh ê răng, lạnh còn hơn cả trái tim mùa đông mà cô Như Quỳnh hay hát, toả ra từ tô súp nữa. Da gà của thanh niên ngáo ộp nổi hết cả lên.
Cứ như là cà chua được lấy ra khỏi tủ lạnh, rồi ngay lập tức được đưa vào máy say sinh tố, rồi ngay lập tức được đổ vào tô súp, rồi ngay lập tức được dọn ra cho người nhà ăn. Không nấu, không nướng, không làm nóng. Không không và không.
Tôi nuốt ực hỗn hợp lạnh ngắt trong bụng mình, và tự hào rằng mình là người can đảm nhất vũ trụ.
Host tôi nở một nụ cười, bảo ngon không?
Ngon…Ngon lắm!
3. Paris – Một Chiều Lang Thang Dưới Phố:
Ăn uống no say xong, buôn dưa lê bán dưa xấu xong, tôi lang thang đi bộ xuống phố.
Sau chuyến bay ê hết cả mông từ Thái Lan tới Pháp, tôi chẳng muốn ôm đồm mọi thứ quá nhiều vào ngày đầu tiên, hoạ chăng chỉ đi vòng vòng, tập làm quen với giấc mơ còn quá bỡ ngỡ này của mình, về một quốc gia toát ra sự đắt đỏ mà từ bé xíu đã vài lần muốn đặt chân tới.
Chả mấy chốc một chiều ở Paris cũng đến, rồi trôi qua.
Chả mấy chốc ngày đầu tiên ở Paris cũng đến, rồi trôi qua.
Đêm hôm ấy chẳng hiểu vì sao tôi náo nức đến kinh khủng. Cảm giác bước những bước non nớt vào những bậc thang còn thô sơ mình tự xây để tiến đến giấc mơ ở đâu đâu phía trước rất lạ, lạ như lần đầu tiên mình quyết định dấn thân vào cung đường dài thật dài này…