weather
Thời Tiết Sài Gòn
Nhiệt Độ: 30°C
Hiện tại: mây rải rác

Dinh Thầy Thím ở Lagi Bình Thuận nơi chiêm bái tâm tinh cực kỳ linh thiêng

Bạn là người thích đi du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, bạn đã từng nghe hoặc mới biết đến một địa danh tên là “Dinh Thầy Thím”. Bạn muốn đến đó xin lộc cầu an nhưng trước tiên bạn muốn tìm hiểu thật kỹ về địa danh này, bạn đang đọc blog của mình với tất cả thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn về địa điểm, lịch sử, truyền thuyết Dinh Thầy Thím; các thông tin liên quan về lễ hội dinh Thầy Thím; lễ vật cúng dinh; các khách sạn, nhà nghỉ, địa điểm ăn uống, vui chơi gần dinh Thầy Thím, các bãi biển đẹp, sạch sẽ tại Lagi, Bình Thuận.

Bây giờ mình cùng tìm hiểu về Dinh Thầy Thím, một địa điểm tâm linh mà ai cũng sẽ muốn đến đó ít nhất một lần nếu như bạn có dịp du lịch đến Lagi, Bình Thuận.

1. Dinh Thầy Thím Ở Đâu

Dinh Thầy Thím toạ lạc tại thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, một điểm du lịch tâm linh, một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Việt Nam, được công nhận vào ngày 27/9/1997, đến nay đã hơn 22 năm rồi nhé. Về “tuổi đời”, Dinh Thầy Thím đã tồn tại hơn 140 năm, được xây dựng vào ngày 25/12 năm Tự Đức thứ 32 (1879 – 2019) tại một khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu cát trắng cách trung tâm Lagi 12km về hướng Tây Bắc.

Dinh Thầy THím Lagi
Tam quan Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím – Nguồn: wikipedia.org

Dinh Thầy Thím một trong ba cụm di tích danh thắng và có thế mạnh về du lịch tâm linh của Tỉnh Bình Thuận (ở phía bắc có chùa Cổ Thạch và đình Bình An, ở trung tâm có Lầu Ông Hoàng và chùa núi Tà Cú). Trong đó, Dinh Thầy Thím là nơi thu hút đông đảo du khách thập phương nhất từ  trong tỉnh và du khách các tỉnh miền Trung và Nam bộ đến thăm viếng, an dưỡng.

2. Đường Đi Dinh Thầy Thím

Đường đến Dinh Thầy Thím ngày nay đã được tu sửa và xây dựng mới, đường trải nhựa sạch sẽ và khang trang, hai bên đường vô dinh Thầy Thím là những vườn thanh long xanh mát và trái nặng trĩu.

2.1 Đi ô tô từ HCM ra Dinh Thầy Thím

Nếu bạn đi ô tô riêng, thì quảng đường từ Tp HCM đến Dinh Thầy Thím là khoảng 157km (tính từ đầu cao tốc HCM – Long Thành Dầu Dây men theo quốc lộ 1A), và mất hơn 3 tiếng chạy xe tuỳ vào tốc độ bạn chạy và tình hình giao thông nhé.

Có 2 con đường đi đến Dinh Thầy Thím, bạn có thể đi theo bản đồ mình đưa bên dưới:

Cung đường 1:  TpHCM – Cao Tốc – QL1A – TT Tân Nghĩa – QL55 – TX Lagi – Đường Nguyễn Chí Thanh – Lý Thái Tổ – Dinh Thầy Thím:

Google Maps: https://goo.gl/maps/tT7wgNUotzmpBhrx8

Theo hướng này bạn sẽ đi hết cao tốc, sau đó men theo QL1A đi tầm 140km bạn sẽ rẻ phải vào thị trấn Tân Nghĩa, sau đó đi theo hướng QL55 về trung tâm TX Lagi, từ đây bạn đi theo đường Nguyễn Chí Thanh về xã Tân Tiến khoảng 14km nữa là tới Dinh Thầy Thím.

Lưu ý: Đoạn đường từ QL1A rẽ vào TX Lagi có biển báo giới hạn tốc độ là 50km/h, bạn lưu ý cung đường này hay có trạm CSGT nên các bác tài nên đi đúng luật và kiểm soát tốc độ nha.

Cung đường 2: Nếu bạn muốn đi cung đường biển cho vắng xe, mát mẻ và nhiều cảnh núi non chụp ảnh, và cũng ít trạm CSGT hơn thì đi theo hướng này: TPHCM – Cao Tốc – QL51 – Mỹ Xuân, Ngãi Giao – QL55 – TX Lagi – Đường Nguyễn Chí Thanh – Rẽ phải vào đường ven biển Hùng Vương – Lý Thái Tổ – Dinh Thầy Thím:

Google Maps: https://goo.gl/maps/EYChNg4RA6tBA6ix9

Cung đường này thì tầm 150km nếu bạn đi theo maps mình chỉ. Đặc điểm của cung đường này là đường rộng và vắng, đa số bạn có thể chạy được tốc độ 80km/h, trừ 1 số đoạn vào khu dân cư (chú ý biển báo) là chạy dc 50km/h, thỉnh thoảng cũng có bắn tốc độ nhưng bạn sẽ biết ngay thôi, các xe chạy ngược chiều sẽ nhá đèn báo hiệu. Nếu bạn gặp CSGT thì cũng nên nhá đèn báo hiệu lại nhé. Cá nhân mình thích đi đường này vì khỏi phải căng não vượt xe khách hay container, chỉ 1 đoạn tầm 14km là bạn chạy trên QL51 thì hơi đông xe thôi.

Lưu ý: Từ cuối năm 2020, đoạn đường Hùng Vương từ TX Lagi về Dinh Thầy Thím đã cắm biển báo tốc độ 60km/h, các bác tài lưu ý vì đoạn đường này thường xảy ra tai nạn vào ban đêm do không có đèn đường, và cũng có CSGT túc trực.

Cung đường 3: Cũng tương tự như cung đường 2 nhưng xa hơn 1 chút, bù lại bạn sẽ đi qua Đồi Cừu, có thể ghé vào chụp hình nhé:

Google maps: https://goo.gl/maps/kpmMytUW1gG7QrDx7

Cung đường này thì cũng tầm 150km, khác chút là bạn sẽ không đi qua Thị Trấn Ngãi Giao mà đi về hướng Hắc Dịch Tóc Tiên và đi hướng Châu Đức, đi ngang qua đồi cừu Suối Nghệ, nếu đi vào mùa xuân và mùa hè bạn nên ghé vào tham quan chụp hình ở đồi cừu nhé.

Với cung đường thứ 2 hay 3 thì có nhiều cây xanh nên bạn cũng sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của các cung đường ven biển của tỉnh Bà Rịa, bạn có thể tạc ngang qua Đồi Cừu, Hồ Cốc, Hồ Tràm, suối nước nóng Bình Châu. Mình hay đi cung đường 2, và đã trải nhiều địa điểm ăn uống, cafe rất ngon, mình sẽ update sau nhé, sẽ bao gồm clip quay từ flycam. Bạn nào có ý định đi du lịch Lagi Dinh Thầy Thím, thì alo mình đi chung hoặc mình chở đi nếu đúng dịp mình đi nhé. (Phone 0707.73 75 79, mình ở Tp.HCM)

2.2 Đi Phượt Bằng Xe Máy Ra Dinh Thầy Thím

Nếu bạn đi phượt bằng xe máy thì cũng đi các cung đường trên, tuy nhiên cũng chú ý các biển báo tốc độ và nên đi vào lúc ban ngày vì có đoạn đường rất vắng xe vào ban đêm. Tuy nhiên mình khuyên các bạn nên đi cung đường 2, tức là từ HCM -> QL51 -> Ngãi Giao -> Bình Châu -> QL55 -> TX Lagi -> Biển Dinh Thầy Thím. Cung đường này vắng xe và đường 2 bên cây cối xanh um, mát mẻ. Có nhiều đoạn chụp hình rất chill. Mình sẽ update hình sau nha.

2.3 Đi xe khách từ HCM ra Dinh Thầy Thím

Nếu bạn không muốn lái xe thì có thể tìm các xe khách chạy tuyến HCM <-> Lagi. Có xe khách sẽ dừng tại bến xe Lagi, có xe sẽ đi ngang qua bến xe Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, cách Lagi tầm 12km), bạn có thể đến ngay bến xe Dinh Thầy Thím và đón xe ôm vô Dinh (tốn 30k thôi), mình cập nhật trước 2 nhà xe mà mình hay đi nhé:

1. Xe Khách A Liêm: TpHCM <-> Tân Hải, Lagi

  • Loại Xe: Xe giường nằm limousine VIP (22 giường),  xe giường nằm bình thường 45 giường, xe ghế ngồi 9 chỗ.
  • Bến Xe ở TpHCM: 139 Bắc Hải, Q10, ngay cổng nhà thiếu nhi quận 10.
  • Bến Xe ở Lagi, Bình Thuận: Xã Tân Hải, đi ngang bến xe Dinh Thầy Thím.
  • Điện Thoại: 0913.848.404 ; 0977.783.132
  • Giờ Xuất Phát:
    • Tp.HCM -> Tân Hải: 8h sáng, 12h trưa, 19h tối
    • Tân Hải -> Tp.HCM: 12h đêm, 2h sáng, 8h sáng, 11h30 trưa

2. Xe Khách Kim Hùng: TpHCM <-> Tân Hải, Lagi

  • Loại Xe: Xe giường nằm limousine VIP (22 giường),  xe giường nằm bình thường 45 giường, xe ghế ngồi 9 chỗ.
  • Bến Xe ở TpHCM: 538 An Dương Vương, P9, Q5
  • Bến Xe ở Lagi, Bình Thuận: 155 Lê Thánh Tôn, TX Lagi, xe này cũng đi ngang bến xe Dinh Thầy Thím luôn.
  • Điện Thoại: 098.428.5050 ; 096.328.5050
  • Giờ Xuất Phát:
    • Tp.HCM -> Tân Hải: 6h sáng, 8h sáng, 11h30 trưa, 15h, 17h, 19h, 22h.
    • Tân Hải -> Tp.HCM: 12h đêm, 2h sáng, 4h sáng, 6h, 9h, 12h trưa, 15h, 17h.

Đặc điểm chung của 2 nhà xe này là sẽ đón bạn tại nhà nếu xe tiện đi qua, còn không họ sẽ cho xe ôm đến đón bạn (miễn phí) ra bến xe hoặc đứng chờ ở một số địa điểm mà xe sẽ đi qua như: BV Mắt Điện Biên Phủ, CV Lê Văn Tám, Ngã 4 Hàng Xanh.

Đa số xe khách chạy theo QL1A và không đi qua cao tốc, có dừng ở trạm dừng chân Đại Phú QL1A, nên sẽ lâu hơn, tầm 5 tiếng đến 6 tiếng nha. Khi lên xe bạn sẽ nói là điểm đến là Bến Xe Dinh Thầy Thím nhé, từ bến xe này bạn đi xe ôm đến viếng Dinh Thầy Thím tầm 10p, tốn phí 30k-40k thôi nha. Nếu không biết thì cứ gọi mình nhé (Phone 0707.73 75 79)

3. Sự Tích và Huyền Thoại Thầy Thím

Khi đến Dinh Thầy Thím, bạn nên đọc sự tích về Thầy Thím trên tấm bảng này: (ngay chỗ nhà truyền thống)

Sau đây mình sẽ tóm tắt lại một số nội dung chính nhé:

Ngày xưa, tại vùng đất Tam Tân có 1 đôi vợ chồng đạo sĩ từ xa đến và sống lánh xa trong rừng, làm nghề đốn củi, đóng ghe thuyền, và bốc thuốc cứu người. Ông chồng là người nhân ái và có phép thuật, trừ gian diệt ác, trừng phạt những kẻ hung bạo, cứu dân làng chài qua cơn gió bão, thuần phục cả thú dữ. Sau khi hai vợ chồng này mất, người dân làng chài sót thương, lập đền thờ hằng năm thăm viếng, họ cũng không biết 2 vợ chồng này tên gì nên gọi tên thân mật là ông Thầy, bà Thím, đặt tên đền thờ là Thầy Thím.

Hàng năm vào dịp tảo mộ tháng giêng, dân làng chài thường thấy có 1 đôi Hắc – Bạch hổ đến phủ phục, canh gác. Về sau, khi đôi Hắc – Bạch hổ qua đời, người dân đã chôn cất chúng sát bên đôi mộ của Thầy – Thím.

Ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím, nghĩa cử Thầy – Thím được dân gian lưu truyền. Thế nên, đến đời Thành Thái thứ 18, nhà vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

https://www.youtube.com/watch?v=BbIZi5_9Jcg&t=40s

Chi Tiết về sự tích huyền thoại Thầy Thím

Theo truyền thuyết: Ngày xưa ở Quảng Nam, có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu bạt vào phương Nam lánh nạn.

Tam Tân, một vùng quê xa xôi và trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được lòng dân hết mực ca ngợi. Họ gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy – Thím.

Ít khi nhắc về thân thế của mình nhưng người trong làng cũng hiểu đôi chút về quá khứ của Thầy. Thầy sinh vào những năm đầu của triều Gia Long, thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời, ước muốn thoả chí tung hoành ngang dọc. Việc lớn chưa thành, danh chưa toại thì Thầy gặp đại tang, cha mẹ Thầy đột ngột cùng lúc qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ là người cùng phủ chịu tang cha mẹ, sống những ngày tháng kham khổ.

Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền bị hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống. Động lòng trước nỗi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh.

Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phéo thuật của mình để giúp đỡ dân lành. Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ có một mái đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng như ngôi đình to lớn nhưng thiếu người hương khói ở làng bên. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời báo trước một điềm lạ. Quả nhiên, khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng thay thế ngôi đình lá cũ rách. Dân làng kinh ngạc rồi reo hò vui mừng.

Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì làng bên trống dục liên hồi cấp báo về triều tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp Đình, âm mưu gây bạo loạn. Thế là Vua nghiêm trị Thầy ở mức án cao nhất. Xong, cẩm thông trước khí khái quân tử, nhà vua gia ân cho Thầy được chọn ba trọng tội hình: Xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kì lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ. Thầy múa xong một bài cũng là lúc tấm lụa biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay bổng lên không trung trước nổi kinh hoàng của quan lại và dân làng. Khi bay qua quê mình, Thím còn làm rơi chiếc hài như một lời nhắn thưa từ biệt, rồi lụa rồng bay về phương nam. Từ đó, Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân(nay là xã Tân Tiếnm Lagi, tỉnh Bình Thuận), dưới lớp áo của người xa quê đến lập nghiệp.

Lúc đầu Thầy Thím ở trọ nhà ông hộ Hai. Ngày ngày, vợ chồng Thầy làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có một quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” tức là “gieo đậu thành binh lính”. Một hôm, nhân lúc thầy vào rừng đốn củi mà quên đem theo quả bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, và để tránh sự chú ý của nhiều người, vợ chồng Thầy chuyển vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái. Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng. Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đãn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy một người giúp việc nào của Thầy. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mach nước nhỏ đổ ra biển, người dân tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân thường gọi là đường lướt ván.

Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ…Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.

Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.

Hằng năm, cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.

Về sau khi đôi Bạch – Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người.
Ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy – Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

4. Kiến trúc dinh Thầy Thím

Toạ lạc giữa một khu rừng trầm mặc, yên tĩnh cách biệt với cuộc sống đời thường, Dinh Thầy Thím càng trở nên lắng đọng, tôn nghiêm giữa khung cảnh thiên nhiên huyền ảo. Kiểu dáng kiến trúc và và những hoạ tiết trang trí nghệ thuật ở ngoại thất cũng như cách bài trí, thờ phụng ở nội thất thể hiện rõ tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt là nội dung sự tích Dinh Thầy Thím, nội dung tôn thờ và các hình thức sinh hoạt, lễ hội dân gian hàng năm tại Dinh gắn với tập quán, tín ngưỡng và đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Lễ Cúng Dinh Thầy Thím

Bên trong dinh Thầy Thím bao gồm nhiều công trình như: Tam quan, Võ ca, chính điện, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng, phòng Truyền thống,…

Trên thanh xà cò của Dinh còn dòng chữ Hán khắc chìm “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” có nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879). Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trỗ và các trang trí nội thất của Dinh Thầy Thím thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình.

Quần thể kiến trúc của Dinh được bao bọc bởi một bức tường hình thang vuông, chu vi gần 600m như tôn thêm vẻ trang nghiêm của Di tích. Vòng thành trổ ba lối vào Dinh, cổng chính ở phía trước và cổng phụ ở hai bên tả hữu. Cũng như các công trình kiến trúc tôn giáo khác ở Bình Thuận, Dinh Thầy Thím trước kia được xây dựng bề thế, trang nghiêm bằng những nguyên vật liệu cổ truyền sẵn có tại địa phương. Trong kiến trúc, gỗ đóng vai trò chủ đạo, chất vữa kết dính được pha trộn từ vôi, cát, mật đường, nhựa cây, mái lợp ngói âm dương cổ, nền lát gạch Bát tràng.

Các công trình kiến trúc chính của Dinh Thầy Thím đều quay về hướng Tây, gồm có: Cổng chính, Võ ca, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy – Thím và một số công trình phụ cận. Nét tương đồng mang tính chất đặc biệt trong kiến trúc của Dinh là toàn bộ các công trình chính như Chánh điện, Võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”, một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ XVIII – XIX.

Miếu Ông Hổ – Dinh Thầy Thím

Nhà Thờ Tiền Hiền – Hậu Hiền

Nhà Thờ Tiền Hiền – Hậu Hiền

Điểm độc đáo mang sắc thái riêng của Dinh là kiểu dáng “tứ trụ” (4 cột chính ở trung tâm nhà) được trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế, đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mỹ trong nghệ thuật điêu khắc gỗ, ở đây toàn bộ chân đế của các cột chính được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Nét kiến trúc này là một trường hợp hiếm hoi và lý thú trong gần 300 di tích ở Bình Thuận.

4.1 Chính điện

Nằm ở vị trí trung tâm, đây là công trình kiến trúc bề thế, tôn nghiêm so với các công trình khác trong quần thể di tích. Chính điện có diện tích 70m2, bộ nóc kiến tạo thành hai tầng, mỗi tầng bốn mái. Tầng trên thu nhỏ vút cao như một cổ lầu, trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi trang nghiêm. Dọc theo các bờ quyết của hai tầng máigắn kết các phù điêu đắp nổi như “tứ linh”, giao long và nhiều hoạ tiết hoa lá vừa thâm nghiêm, cổ kính nhưng cũng hết sức mềm mại, uyển chuyển.

Chánh địện thờ Thầy Thím
Chánh địện thờ Thầy Thím

Bộ khung chính điện được gắn kết với nhau theo lối “tứ trụ”, 4 cột gổ chính ở trung tâm vừa hợp lực nâng đỡ đỉnh nóc và cổ lầu bên trên, vừa liên kết giằng giữ lấy các vì cột con toả đều bốn hướng xung quanh, tạo nên một bộ khung vững chắc và cân đối. Ngoài các cột chính ở trung tâm được chạm khắc và tạo dáng độc đáo như chúng tôi đã mô tả, các bộ phận còn lại như kèo, trính con đội (cột trốn), … đều được trau chuốt, gờ cạnh công phu. Ở đây con đội được chăm chút khá tỉ mĩ, phần đế toả rộng có dáng dấp như mặt hổ phù, phần thân phình ra và phần đỉnh tóp tại như một chiếc bình cắm hoa.

Nội thất chính điện chứa đựng nhiều hiện vật cổ như: hoành phi, câu đối, bao lam, hương án, khám thờ được bài trí trang nghiêm. Tất cả những hiện vật ở nội thất ngoài chức năng thờ phụng còn có giá trị về lịch sử, văn hoá và điêu khắc, tạo hình. Những mảng điêu khắc gỗ với nhiều đề tài, hoạ tiết phong phú như “tứ linh”, thiên nhiên, muôn thú, hoa lá, … vừa thể hiện được chức năng tôn giáo, tín ngưỡng thiêng liêng, nhưng cũng hết sức gần gũi với cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của chúng ta.

Chính điện còn chứa đựng nhiều văn tự Hán cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn học dân gian, nội dung chủ yếu ca ngợi công lao, tài đức của Thầy Thím và những lời hay ý đẹp giáo dục nhân cách, đạo đức và thuần phong mỹ tục cho hậu thế. Đặc biệt, ở chính điện còn bảo lưu được những tư liệu quý giá ghi lại niên đại tu bổ Dinh chạm khắc trên thanh xà gồ, giúp cho các nhà nghiên cứu và những thế hệ đi sau có cơ sở xác định thời gian tạo dựng và tu bổ di tích này.

2. Nhà Võ ca

Chánh điện (giữa), nhà thờ Hậu hiền (trái), nhà thờ Tiền hiền (phải).

Nối liền với chính điện về phía trước, diện tích 81m2. Trong tổng thể chung, nhà võ ca còn bảo lưu được diện mạo ban đầu khá nguyên vẹn từ kết cấu bộ khung, tường vách cho đến vật liệu lợp và lát nền. Cũng như chính điện, nhà võ ca cũng được lắp ghép theo lối kiến trúc “tứ trụ”, các cột gỗ chính ở trung tâm cũng có công năng và được chạm khắc, tạo dáng tương tự các cột chính ở Chính điện. Các bộ phận cột, kèo, trính được gờ cạnh và tạo dáng thánh thót. Ở đây con đội được khắc hoạ theo dáng dấp con đội ở Chính điện, nhưng phần thân được thể hiện tỉ mỉ, sắc sảo hơn bởi những cánh hoa sen nở rộ mềm mại.

Bộ nóc nhà Võ ca có 4 mái  lợp ngói âm dương cổ. Đỉnh nóc trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” bằng sứ oai nghiêm. Trên các bờ quyết và hai bên đầu hồi được đắp nổi các phù điêu “tứ linh”, giao long và hoa lá thể hiện nét tôn nghiêm và hài hoà, uyển chuyển. Trên 4 bức tường phía trong và trước mặt tiền của nhà võ ca đắp nổi nhiều hoạ tiết trang trí nghệ thuật như rồng, phượng, thiên nhiên, hoa lá và các điển tích xưa mô tả lại sự tích Thầy Thím và cảnh lao động, sinh hoạt của các thế hệ cha ông ngày trước được thể hiện khá sinh động.

Nội thất võ ca còn lưu giữ nhiều văn tự Hán cổ được chạm khắc trên thân các cột chính, trên các bức hoành có các nội dung giáo dục sâu sắc đối với hậu thế. Ở nhà Võ ca còn có một thanh xà, có ghi lại niên đại tu bổ chạm khắc bằng chữ Hán cổ.

Nhà Võ ca là nơi thực hiện các nghi thức lễ hội truyền thống hàng năm, nơi nhân dân và du khách đến dâng hương, hoa và tưởng nhớ đến công lao của Thầy Thím, ông bà tổ tiên đã dày công vun đắp mảnh đất này, để các thế hệ con cháu đi sau được yên vui và hạnh phúc.

Nhà Võ Ca – Dinh Thầy Thím

3. Cổng chính

Nằm trước mặt tiền của Dinh, đây là lối ra chính, chỉ mở vào cửa vào các dịp lễ hội trong năm. Cổng chính mới được tôn tạo lại năm 1994, được kiến tạo theo dạng cổng Tam quan, mẫu cũ của Dinh đúng theo vị trí này từ đầu thế kỷ XX. Cổng có 3 lối vào dạng cửa vòm trịnh trọng, lối giữa rộng 2,4m và kiến tạo thành hai tầng, tầng trên thu nhỏ vút cao, đỉnh nóc cao 1,6m; hai lối phụ hai bên rộng 1,4m.

Dinh Thầy THím Lagi
Cổng Chính Dinh Thầy Thím

Đỉnh nóc cổng trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” oai phong, trên đỉnh nóc của hai lối phụ bài trí hai con rồng ngoảnh mặt nhìn về đỉnh nóc tôn nghiêm. Tất cả các góc máicủa hai tầng mái uốn cong như mũi thuyền được điểm xuyến các phù điêu giao long đắp nổi. Dọc trên các trụ cổng trang trí đắp nổi các hình tượng nghệ thuật uyển chuyển như rồng, giao long và các điển tích mô tả lại một phần truyền thuyết liên quan đến di tích. Cổng chính là một bộ phận kiến trúc nghệ thuật được tạo dựng công phu và hoàn mỹ, góp phần làm tăng thêm sự thâm niên, trang trọng của di tích.

4. Bình phong

Cách nhà Võ ca về phía trước 10m là một bức bình phong xây vôi vữa che chắn lấy mặt tiền của Dinh. Cả hai mặt của bình phong đắp nổi khéo léo các hình tượng rồng vờn mây và long mã được thể hiện sinh động. Ở hai bên tả hữu của bình phong đặt hai tượng Bạch Hổ và Hắc Hổ trong tư thế ngồi xổm, đầu ngẩng cao nhìn về hướng chính điện, tượng trưng cho hai vệ sĩ của Thầy Thím mà truyền thuyết có đề cập đến.

Bạch Hổ Hắc Hổ – Dinh Thầy Thím
Bạch Hổ Hắc Hổ – Dinh Thầy Thím

4. Sự Tích Mộ Thầy Thím

Khu Mộ Thầy Thím gồm đền thờ và 4 nấm mộ được đắp bằng cát trắng tinh, nằm cách dinh Thầy Thím tầm 3km về phía tây. Hai mộ phía trước là mộ của Thầy và Thím, 2 mộ phía sau là mộ của Hắc Hổ và Bạch Hổ (vốn được coi là vệ sĩ và đệ tử của Thầy Thím). Xung quanh 4 ngôi mộ cát này có 1 bức tường bằng đã hình chữ nhật được xây dựng từ năm 1988.

Mộ Thầy, Thím, Bạch Hổ, Hắc Hổ
Mộ Thầy, Thím, Bạch Hổ, Hắc Hổ

Cổng vào khu mộ Thầy Thím được xây dựng năm 1996:

Cổng vào khu mộ Thầy Thím
Cổng vào khu mộ Thầy Thím

Khu mộ có 4 nấm mồ đắp bằng cát trắng vút cao thành 2 hàng, theo truyền thuyết dân gian thì hai mộ phía trước là mộ Thầy – Thím, hai mộ phía sau là đôi Hắc – Bạch Hổ.

Trong khu vực mộ, những cây dầu cổ thụ chen lẫn những tán sao, xà cừ, tạo cho du khách cái cảm giác như đang đi giữa rừng với tiếng nhạc lao xao của lá hòa với âm thanh vi vu của gió.

6. Lễ Hội Dinh Thầy Thím

6.1 Nên đi viếng Dinh Thầy Thím vào thời điểm nào?

Hằng năm có 2 dịp lễ lớn mà nhiều du khách nhất đến viếng dinh, xin lộc Thầy Thím, tỏ lòng thành kính cùng tâm tình ước vọng, cầu mong Thầy Thím phù hộ gặp nhiều may mắn và thành công trong cuộc sống:

  • Lễ Tảo Mộ Thầy Thím
  • Lễ Tế Thu hay con gọi là ngày Vía Thầy Thím.

1. Lễ Tảo Mộ (mùng 5 tết)

Lễ Tảo mộ Thầy Thím là một trong hai lễ lớn hằng năm của Dinh Thầy Thím. Lễ Tảo mộ được tiến hành vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch hằng năm. Ngoài ra còn các trò chơi dân gian, nổi bật nhất là hội thi cờ tướng, tập hợp các kỳ thủ trong tỉnh Bình Thuận (vòng loại hội thi cờ tướng được tổ chức trước đó 1 – 2 tháng)

Lễ Tảo Mộ Thầy Thím (mùng 5 tháng giêng âm lịch)

Lễ Tảo Mộ Thầy Thím (mùng 5 tháng giêng âm lịch)
Lễ Tảo Mộ Thầy Thím (mùng 5 tháng giêng âm lịch)

2. Lễ Tế Thu, hay còn gọi là ngày Vía Thầy Thím, kéo dài 3 ngày 14, 15, 16 tháng 9 âm lịch.

Lễ Tế Thu, hay còn gọi là ngày Vía Thầy Thím, kéo dài 3 ngày 14, 15, 16 tháng 9 âm lịch.

Lễ hội Dinh Thầy Thím gồm những nghi lễ dân gian như: Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh. Bên cạnh đó là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng miền biển như hội thi làm mô hình sự tích Thầy Thím, thi kéo co, làm bánh dân gian, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, biểu diễn lân – sư – rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình ca múa nhạc, biểu diễn nghệ thuật dân gian miền biển.

Vào những dịp lễ lớn, thường du khách thập phương đến rất đông nên nếu các bạn không thích chen lấn thì có thể đến viếng dinh Thầy Thím vào dịp cuối tuần, các ngày lễ khác trong năm, thường thì tháng giêng đến tháng 7 và tháng 9 âm lịch hàng năm là nhiều khách đến nhất, vì thời tiết mát mẻ, nắng ráo, thuận tiện cho vui chơi, tắm biển và thưởng thức hải sản.

6.2 Lễ Vật Cúng Dinh Thầy Thím

Quan trọng là sự thành tâm, và tuỳ điều kiện kinh tế nên bạn chuẩn bị được thứ gì thì cúng thứ ấy: chẳng hạn như

  • Trái cây: ngũ quả
  • Hoa tươi: Hoa ly, hoa cúc,…
  • Bánh kẹo
  • Gạo, muối
  • Heo quay
  • Gà luộc
  • Vịt quay,
  • Vàng bạc
  • Trầu cau
  • Bộ đồ cho Thầy và Thím

Sự thành tâm cầu khẩn của bạn sẽ được Thầy Thím chứng giám và phù hộ. Một điểm lưu ý là nếu bạn đã dự định đi cúng Thầy Thím, thì nên đi 1 mạch thẳng ra Dinh Thầy Thím và bày biện lễ vật, tỏ lòng thành tâm khấn vái, sau đó mới đi vui chơi, tắm biển, ăn uống. Vì đã mong muốn Thầy Thím lắng nghe và phù hộ, thì nên đến Dinh trước rồi hãy đi đâu thì đi, làm gì thì làm.

Lễ Vật để cúng Dinh Thầy THím

Lễ Vật để cúng Dinh Thầy THím

6.3 Đi dinh Thầy Thím cầu nguyện gì?

Trong quang cảnh, không gian lễ hội Dinh Thầy Thím của 25 – 30 năm về trước. Mỗi năm đến lệ Tế thu Thầy Thím (rằm tháng 9 âm lịch), người dân của cả huyện Hàm Tân (cũ), nay là xã Tân Tiến, TX Lagi lại náo nức sắm sửa lễ vật để đi cúng tạ Thầy Thím, cảm tạ một năm nhờ ơn đức của Thầy Thím mà mùa màng tốt tươi, mua may bán đắt, gia đình an lạc… Cầu xin Thầy Thím tiếp tục gia hộ cho năm sau được sức khỏe, được mùa, đủ ăn.

Ngày nay khi Dinh Thầy Thím được nhiều du khách thập phương biết đến, thì lễ vật cũng phong phú hơn, lời thỉnh cầu, van vái, cầu xin cũng có giá trị vật chất hơn, có thêm yếu tố kinh tế thị trường, tính thời đại hơn, như: cầu cho bất động sản mua nhanh bán nhanh, cầu cho chứng khoán tăng điểm, được thăng quan tiến chức, con cái du học, cầu mua được nhà, mua được xe, trúng vé số :). Có những cặp vợ chồng hiếm muộn cũng đến cầu con, nhờ ơn Thấy Thím đủ duyên ắt sẽ “sở cầu tất ứng”.

“Hãy thành tâm”, đó là lời khuyên mình hay nói cho những bạn lần đầu đến viếng Thầy Thím. Nghĩa là nếu bạn có 1 điều mà bạn đang rất mong mỏi muốn đạt được, và bản thân đã rất cố gắng nhưng chưa thành công, hãy nguyện trong tâm trước khi đến dinh, và chuẩn bị lễ vật chu đáo,  khi đến dinh Thầy Thím, bạn hãy cầu khẩn cho Thầy Thím cùng chư vị hội đồng Dinh Thầy Thím thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ cho bạn.

6.4 Dinh Thầy Thím có thật sự linh thiêng?

Mình không thể trả lời câu hỏi “dinh Thầy Thím có linh thiêng không” nhưng theo bản thân trải nghiệm và quan sát du khách, có người đã quay trở lại cúng dinh, tạ lễ sau những lần đầu tiên đến thăm viếng dinh, có người đi rất nhiều lần trong năm, có người năm nào cũng đi 1-2 lần. Hằng năm, hàng nghìn du khách thập phương từ các tỉnh miền tây như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ,… đến các tỉnh miền nam như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vùng Tàu, Ninh Thuận,… đều đến viếng dinh ít nhất 1 lần, trong số đó mình tin là có người được Thầy Thím phù hộ, có người có thể chưa đủ duyên hoặc chưa đủ thành tâm.

6.5 Bài Cúng Dinh Thầy Thím

Nhưng thông thường mình hay xưng hô là:

Kính thưa chư vị hội đồng Dinh Thầy Thím

Con tên là: Nguyễn Văn A, năm sinh, quê quán.

Hôm nay ngày dd/mm/yyyy, nhằm ngày âm lịch, con từ phương xa đến xin bày biện lễ vật gồm: …

Con thành tâm khấn nguyện: …

Xin ơn trên Thầy Thím cùng chư vị hội đồng thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành và phù hộ cho con đạt được ước nguyện.

Con xin đa tạ.

6.6 Xin lộc Dinh Thầy Thím

Bạn đến cúng dinh, nên xin lộc về nhé, lộc là 1 bịch gạo và 1 bịch muối nhỏ, bạn đem về để chỗ bàn thờ ông địa, thần tài nhé.

Khi viếng mộ Thầy Thím, bạn có thể xin 1 ít cát trắng về bỏ vào lư hương nhé.

6.7 Khách Sạn Gần Dinh Thầy Thím?

Hầu hết du khách đến Dinh Thầy Thím, Lagi Bình Thuận thì thường ở lại 1 đêm để tắm biển, vui chơi và khám phá phong cảnh xung quanh, ăn hải sản và mua hải sản tươi sống từ thúng, ghe của ngư dân về làm quà.

Đến với khu vực biển Dinh Thầy Thím, bạn có 4 lựa chọn cho địa điểm lưu trú:

  1. Resort: có hồ bơi, view biển, đa dạng loại phòng, giá cả tầm 1.7 triệu đến 3 triệu cho phòng 2 người hoặc gia đình nhỏ (có buffet sáng, nhà hàng) Thường thì resort sẽ không cho phép khách mang đồ ăn bên ngoài vào, hoặc bị thu phí, và không được tụ tập chơi quá khuya.
  2. Khách sạn: từ bình dân đến cao cấp (cao nhất là 3 sao), giá phòng từ 500k đến 800k cho phòng 2 người, 800k-1200k cho phòng 2 giường đôi, từ 1000k-1500k cho phòng 3 giường đôi hoặc phòng tập thể.
  3. Nhà Nghỉ: tiêu chuẩn thấp hơn chút, giá thấp hơn khách sạn từ 200k – 300k
  4. Nhà Trọ: Đa số nhà trọ thường tập trung ở khu biển Dinh Thầy Thím, vốn dĩ khu này là đất nhà nước cho thuê với thời hạn không cố định, nên không được các chủ nhà trọ đầu tư nhiều vì sợ không thu vốn kịp, và các chủ nhà trọ ở đây xuất thân là ngư dân hoặc người dân địa phương, nên phong cách làm du lịch và phục vụ không được đồng nhất, cốt yếu là chân chất, mộc mạc, và cũng rất hiếu khách, chân tình. Tiêu chuẩn phòng ở nhà trọ thì đa số là nằm bệ, hoặc chỉ có nệm mỏng, WC riêng trong phòng hoặc WC chung, có phòng chỉ có quạt không có máy lạnh, thích hợp cho đoàn khách bình dân, hạn chế về kinh phí. Khu nhà trọ này thì tập trung đông khách vui chơi, tắm biển, ăn nhậu nên sẽ hơi xô bồ và ồn ào, không thích hợp cho người lớn tuổi khó ngủ, và gia đình có em bé.

Một số tiêu chí chọn địa điểm lưu trú nếu bạn đi cặp đôi hoặc gia đình có ô tô riêng:

Tuỳ vào điều kiện kinh tế, bạn có thể chọn 1 trong 4 dạng địa điểm lưu trú trên, nhưng cũng cần đảm bảo:

  • Phòng sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, giường nệm, WC trong phòng, có máy lạnh, Tivi, WIFI,…
  • Gần biển, view biển càng tốt, nên chọn các khách sạn nhà nghỉ bên phía biển.
  • Có sân đỗ ô tô riêng, khu vực này cũng có bãi xe công cộng, nhưng đa số là xe 45 chỗ, nếu bạn đi xe gia đình 4-7 chỗ thì gửi ở bãi xe hơi phức tạp. Lưu ý là xe trên 16 chỗ không được vào Dinh Thầy Thím, nên khách phải trung chuyển bằng xe 16 chỗ, vé là 30-40k (khứ hồi)
  • Có chỗ bếp chung để bạn tự chế biến hải san, có sân làm BBQ hoặc chỗ ngồi cho gia đình ăn uống với nhau, vì ban đêm ngồi ngoài biển thì đông vui, nhưng hơi lạnh và muỗi nhiều, và có khi đồ ăn bán ngoài đó không hợp khẩu vị. Đa số gia đình thường chọn các nhà hàng lớn xung quanh hoặc tự mua hải sản về chế biến, vừa ngon, rẻ, hợp khẩu vị vừa ấm cúng, vui vẻ.

Lời Khuyên:

Thường vào những dịp lễ lớn này, tất cả khách sạn xung quanh đều “cháy phòng”, bạn nên đặt phòng trước các khách sạn gần dinh Thầy Thím để thuận tiện di chuyển nha. Bạn tham khảo khách sạn mình nhé: Happy View Hotel. Mình ở HCM, vì bén duyên Thầy Thím mà ra đây xây khách sạn để phục vụ du khách thập phương, gọi mình theo số đt: 0707 73 75 79 (mobifone) để book phòng hoặc nhờ mình tư vấn từ A-Z tất cả những gì liên quan đến du lịch Lagi và viếng Dinh Thầy Thím nha.

7. Biển Dinh Thầy Thím

Du khách đi viếng Dinh Thầy Thím thì sẽ bãi tắm biển Dinh Thầy Thím cách đó 1.5km. Biển Dinh Thầy Thím là một trong 4 bãi biển đẹp ở Lagi Bình Thuận; và được xem là bãi biển cộng đồng đầu tiên ở Lagi, gắn bó lâu đời với lịch sử Dinh Thầy Thím. Vốn dĩ trước đây bãi biển nảy tên là Bãi Tắm Lagi, đại diện chung cho các bãi biển tại Lagi, nhưng do bãi biển này gần dinh Thầy Thím, du khách thập phương sau khi viếng Dinh Thầy Thím xong thì ghé đến bãi biển này vui chơi, tắm biển, thưởng thức hải sản và mua quà về. Vì vậy du khách quen gọi với cái tên gợi nhớ là Biển Dinh Thầy Thím để phân biệt với các bãi biển còn lại ở Lagi.

8. Ăn gì, Chơi gì Khi đến Dinh Thầy Thím

Bạn đang muốn tìm quán ăn ngon gần dinh Thầy Thím?

Đa số các quán ăn thường tập trung ở khu vực bãi biển, nếu bạn muốn ăn hải sản thì xuống dưới đó, nhưng 1 đặc điểm là khu đó tập trung đông người, hơi ồn ào. Vậy nên bạn có thể ăn hải sản, cơm trưa, cơm tối tại quán ăn Sáu Tiểu, đối diện Happy View Hotel nhé, giá cả cũng khá bình dân và đa dạng món.

Ngoài ra nếu bạn không ngại đi xa thì có thể lên TX Lagi, cách bến xe Dinh Thầy Thím 12km. Sẵn tiện lên đó bạn  có thể vừa ăn hải sản, đi hát karaoke, uống cafe, vì khu vực bến xe Dinh thì vẫn chưa có quán karaoke nhé, đa số khách thường hát loa kẹo kéo.

Đến với biển thì tất nhiên ăn hải sản như ghẹ, mực, ốc, tôm tích, … nhưng các bạn nhất định phải thử ăn một loại cá tên là “cá bùng binh“, cá này là có thể nướng muối ớt hoặc ngon nhất là nấu cà ri, nóng nóng, cay cay ngon hết sẩy nhé.

Một số quán ăn, nhậu tại TX Lagi:

Quán cafe tại Lagi:

Có rất nhiều quán cafe lớn tại Lagi như: Thiên Đường, Huyền Thoại, … Nhưng cá nhân mình thích nhất là cafe Phố Đá, quán cf nằm sát bên con suối rất mát mẻ và trong lành, đồ uống cũng đa dạng và rất ngon.

Nếu bạn có nhiều thời gian, mình khuyên các bạn nên ghé thăm:

  • Ngọn Hải Đăng Kê Gà: ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á
  • Núi Tà Cú: Có tượng Phật nằm dài 49m, đỉnh núi cao 649m, cáp treo dài 1600m.

Hai địa danh cách dinh Thầy Thím khoảng 17-20km, nhưng đã đến Lagi mà không đến 2 địa điểm này sẽ giống như kiểu “ăn cơm chưa no” vậy, bức rức và bạn sẽ thấy hơi tiếc 1 chút đó.

Thanh xuân như một tách trà,
Trẻ mà không tới Kê Gà Hải Đăng,
Để khi già cả rụng răng,
Uống trà ngẫm lại hết bà thanh xuân.

–ngẫu hứng–

Hải Đăng Lagi
Ngọn Hải Đăng, Mũi Kê Gà Bình Thuận

Kết Luận

Viếng Dinh Thầy Thím, tắm biển Lagi, thưởng thức hải sản tươi ngon, ra biển mũi kê gà, tham quan ngọn hải đăng, đi cáp treo ở núi Tà Cú, chụp hình với tượng phật nằm dài 49m, uống cafe ở quán Phố Đá. Hoàn tất các mục trên là coi như bạn đã khám phá được một nửa Lagi rồi nhé.

Hẹn gặp lại các bạn trong các chuyến khám phá Lagi về sau nhé.